Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Tập trung tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản và kéo giảm lãi suất
Sáng nay 3-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để thực hiện mục tiêu này.
Kinh tế xã hội phục hồi trên nhiều lĩnh vực
Tại phiên họp, Chính phủ đã đánh giá tình hình KTXH trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy. Thị trường tiền tệ, tỉ giá ổn định, lãi suất đang có xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước 2 tháng đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 2 tăng 6,1% so với tháng 1 và tăng 1,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu 2 tháng 49,4 tỷ USD, 2 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã vượt mốc 50 điểm, tăng từ 47,4 trong tháng 1 lên 51,2 điểm trong tháng 2, thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Bảo đảm tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân; số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Thủy sản đạt gần 1,186 triệu tấn, tăng 1,3% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 5,1% so với tháng 1 và tăng 3,6% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi nhanh, có trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 36,6 lần cùng kỳ.
Đầu tư được thúc đẩy. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 4,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 10% so với cùng kỳ. Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; các tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, Tuyên Quang - Phú Thọ, Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu, Vành đai 4 Vùng Thủ đô; khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn; công trình mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình…
Vốn FDI đăng ký mới (không bao gồm vốn điều chỉnh, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,76 tỷ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số được thúc đẩy, nhất là xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động lớn đến nước ta.
Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Du lịch sôi động trở lại nhưng chưa được như trước đại dịch. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, cần được tháo gỡ nhanh.
Triển khai kế hoạch trong năm 2023, Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.
Nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất. Khơi thông thị trường liên ngân hàng. Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm an toàn thanh khoản và hệ thống. Chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
Rà roát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường nói chung.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triển khai thu thuế với dịch vụ ăn uống và các cửa hàng bán lẻ. Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Phối hợp với các cơ quan để trình phương án sử dụng nguồn tăng thu hiệu quả, đúng luật pháp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp để trình Chính phủ ban hành, giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn chương trình phục hồi và phát triển; phối hợp với NHNN nghiên cứu điều chuyển ngân sách của gói hỗ trợ lãi suất 2% cho phù hợp; đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; chủ trì sửa đổi Nghị định 27 về quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được, điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục; thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Bộ Công Thương rà soát, thúc đẩy phát triển, cơ cấu lại ngành công nghiệp, chú trọng các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững; đẩy nhanh các dự án công nghiệp lớn; theo dõi hình hình trong nước và thế giới, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại, mở rộng các thị trường tại Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin...
Sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch điện VIII, sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, tiếp tục thúc đẩy đàm phán để mở cửa các thị trường du lịch mới và mở cửa lại thị trường khách du lịch Trung Quốc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường việc lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan tới tình trạng thiếu nguyên vật liệu tại các dự án cao tốc.
Thủ tướng lưu ý các địa phương tập trung thực hiện tốt 5 công tác: Quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.