Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Chợ Tết ảm đạm từ chợ đến siêu thị, tiểu thương lo sát 30 Tết mới có người mua
Tạp hóa, chợ nhỏ không thấy khách
Còn gần 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng thị trường hàng hóa thời điểm này không mấy nhộn nhịp. Hầu hết các tiệm tạp hóa, chợ truyền thống và siêu thị - kênh phân phối hàng Tết chủ lực tại TP.HCM, đang rất vắng nếu so với cùng thời điểm 1 tháng trước Tết các năm.
Bà Trọng - chủ tiệm tạp hóa Trọng, trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, buồn rầu khi thời điểm này chưa có không khí Tết. Hàng hóa bà không dám lấy nhiều, các sản phẩm công nhân chuộng vẫn chỉ là hàng thiết yếu. Bà lấy thêm một ít bánh kẹo tại chợ Bình Tây, bán lai rai cho công nhân về quê sớm.
“Năm nay, dãy nhà trọ đóng cửa một nửa. Công nhân không có việc, họ về sớm lắm nên bán buôn không được bao nhiêu”, bà Trọng rầu rĩ.
Tại chợ Bình Tây, quận 6 sức mua thời điểm này có nhích tăng hơn so với 1 tháng trước. Khách lẻ, khách sỉ về chợ nhiều hơn. Các mặt hàng chủ lực tại chợ là bánh kẹo, quần áo và giày dép bắt đầu hút khách. Dù vậy, theo các tiểu thương, do đặc tính của chợ sỉ nên đáng lẽ thời điểm này chợ phải rất tấp nập chứ không phải bắt đầu “thấy có không khí” như hiện nay.
Chị Thúy - chủ sạp Phước Thúy, chuyên kinh doanh bánh kẹo tại chợ Bình Tây, cho biết hiện chủ yếu chỉ bán được cho mối, khách quen cũ lâu năm. Tình hình hiện này là khách mới không có mà khách cũ lại giảm đi. Do đó, mùa Tết, tiểu thương ít trữ hàng, thay vì vậy sẽ lên đơn trước, rồi đặt hàng nhà cung cấp cho “chắc ăn”.
Tình hình tại nhiều chợ truyền thống chuyên bán lẻ như chợ Bà Chiểu, chợ Phạm Văn Hai, chợ Thị Nghè… cũng tương tự. Không khí Tết không mấy rộn ràng trong năm kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Siêu thị, doanh nghiệp sản xuất vắng khách
Không chỉ chợ, siêu thị vốn là kênh mua sắm thân quen của nhiều gia đình tại TP.HCM cũng đang vắng khách. Số lượng khách vào cuối ngày cũng không quá đông dù đã bước vào mùa mua sắm Tết.
Tại siêu thị Emart Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, dù các mặt hàng phục vụ mùa Tết như bánh kẹo, nước ngọt, bia… đầy quầy kệ nhưng khách mua sắm các mặt hàng này không nhiều. Đây là một trong những siêu thị có số lượng khách đông nhất tại TP.HCM nhưng gần Tết, số lượng người mua sắm vẫn không không khác gì ngày thường.
Ngoài ra, so với cao điểm Tết Dương lịch, không khí mua sắm tại đây đang có phần trầm lại.
Ngay cả các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và có sức tiêu thụ cao dịp lễ tết như thịt heo, giò chả, trứng gia cầm cũng đang ảm đạm. Các doanh nghiệp sản xuất lớn, đi đầu trong nhóm hàng này cũng xác nhận tình hình mua sắm năm nay không nhiều khả quan.
Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết năm nay công ty ra mắt một loạt sản phẩm mới ngoài trứng gia cầm như xúc xích, lạp xưởng, chân gà ngâm kiểu Thái… Tuy nhiên, tình hình sức mua hàng Tết năm nay rất ảm đạm.
“Tôi chỉ mong sức mua cận Tết sẽ tăng. Thời điểm đó, công nhân mới bắt đầu có lương thưởng, sức mua hy vọng sẽ tăng hơn”, bà Huân nói và cho biết công ty sẽ tăng cường các chương trình giảm giá, khuyến mãi sâu trong những ngày cận Tết để kích thích sức mua.
Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn cũng cùng dự đoán sức mua sẽ tăng cao vào tuần lễ trước Tết, bởi đây là giai đoạn người lao động nhận được lương, thưởng Tết. Các doanh nghiệp sẽ tăng lượng hàng Tết, tăng các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu vào những ngày này, thậm chí giảm sốc trong vài ngày trước Tết để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.