Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Thanh tra 4 "ông lớn" kinh doanh vàng: Chênh lệch đáng sợ giữa lợi nhuận và doanh thu
Thống kê từ dữ liệu cho thấy, 4 "ông lớn" vàng (SJC, Doji, PNJ và Bảo Tín Minh Châu) lọt tầm ngắm của liên bộ về thanh tra hoạt động kinh doanh vàng có tổng tài sản cuối năm 2023 đạt trên 30.400 tỷ đồng. Doanh thu năm này gần 139.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD), thế nhưng lợi nhuận "bèo" chỉ hơn 2.750 tỷ đồng.
Với con số 30.400 tỷ đồng tổng tài sản ghi nhận tại thời điểm 31/12/2023, quy mô của 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng (SJC, Doji, PNJ và Bảo Tín Minh Châu) "lọt" vào tầm ngắm của thanh tra liên bộ: Bộ Công An, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, tăng trưởng 7,1% so với cùng thời điểm năm liền trước.
Bị thanh tra hoạt động kinh doanh vàng: Soi quy mô tài sản của 4 doanh nghiệp SJC, PNJ, Doji và Bảo Tín Minh Châu
Trong đó, PNJ của nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung hiện là nhà vàng có quy mô tài sản cao nhất với 14.428 tỷ đồng (cuối năm 2023), tăng 8,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Doji của gia đình ông Đỗ Minh Phú với tổng tài sản 14.000 tỷ đồng, sau khi tăng trưởng 6,1% trong 1 năm.
Dù chỉ có quy mô tài sản khiêm tốn, gần 1.900 tỷ đồng (bằng 13% so với PNJ), trong năm 2023, SJC dẫn đầu với tốc độ "phình to" của tổng tài sản (tăng 9,1%).
Ngược lại, Bảo Tín Minh Châu của đại gia vàng Vũ Minh Châu "hụt hơi" 25%, với quy mô tài sản "em út" chỉ gần 115 tỷ đồng. Như vậy, so với Bảo Tín Minh Châu, quy mô tài sản của Doji và PNJ cao gấp 122 lần, và tổng tài sản của Bảo Tín Minh Châu chỉ bằng 6% của SJC.
Trong đó, 2 khoản mục đáng chú ý là tiền mặt và hàng tồn kho tại 4 doanh nghiệp bị thanh tra hoạt động kinh doanh vàng này có sự phân hóa mạnh.
Về khoản mục tiền (bao gồm, tiền các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn) tại SJC và PNJ chiếm tỷ trọng 11 – 12% quy mô tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2023. Tại Bảo Tín Minh Châu, 36,6% tài sản là tiền và các khoản tương đương tiền.
Trong khi đó, với quy mô tài sản chục nghìn tỷ, nhưng Doji chỉ nắm giữ 125 tỷ đồng "tiền tươi", chiếm 0,9% tổng tài sản. Cùng với đó, 38,6% tài sản của Doji là hàng tồn kho, trong khi đó tại PNJ - ông lớn có tài sản "ngang ngửa" với Doji, tỷ lệ hàng tồn kho lên tới gần 76% tổng tài sản và '"tiền tươi" hơn 1.700 tỷ đồng.
Về nợ vay, quy mô nợ vay vượt trội so với 2 doanh nghiệp còn lại là điểm chung của PNJ và Doji. Theo đó, tại ngày 31/12/2023 Doji có gần 4.000 tỷ đồng nợ vay (chiếm 28% tổng tài sản), con số này ở PNJ là gần 2.400 tỷ đồng (chiếm 16,5% tổng tài sản). Trong khi đó, SJC vay ngắn hạn chỉ 150 tỷ đồng (7% quy mô tài sản), trong khi Bảo Tín Minh Châu "trắng" ở khoản mục này.
Phân hóa mạnh về quy mô, bức tranh về doanh thu tại các 4 doanh nghiệp đang bị thanh tra vàng gồm SJC, Doji, PNJ và Bảo Tín Minh Châu cũng "rất khác biệt".
Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2023, Doji đang dẫn đầu với doanh thu năm này lên tới 75.778 tỷ đồng. Tiếp theo là PNJ với hơn 33.000 tỷ đồng và SJC là 28.408 tỷ đồng. Bảo Tín Minh Châu là "em út" về doanh thu trong nhóm này khi chỉ thu về 1.400 tỷ đồng trong năm.
Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Bảo Tín Minh Châu mới là "quán quân" khi tăng 31% trong năm 2023, trong khi đó PNJ và Doji doanh thu đi lùi.
Doanh thu tỷ USD nhưng "ngã ngửa" với con số lợi nhuận
Thống kê cho thấy, tổng doanh thu của 4 "ông lớn" đang bị thanh tra năm 2023 lên tới 139.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD), bình quân gần 400 tỷ đồng/ngày. Thế nhưng, lợi nhuận mà hầu hết doanh nghiệp "báo cáo" lại khiêm tốn.
Tại SJC, doanh thu thuần hơn 28.400 tỷ đồng, song giá vốn chiếm tới trên 99%, vì vậy biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này năm 2023 chỉ đạt 0,9% - thấp nhất trong 4 doanh nghiệp bị thanh tra. SJC báo lãi trước thuế chỉ 88 tỷ đồng và 61 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ 0,2%. Tức là, với 100 đồng doanh thu, chỉ tạo ra 0,2 đồng lợi nhuận.
Chỉ nhỉnh hơn SJC, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Bảo Tín Minh Châu cũng chỉ đạt 0,3% trong năm này. Năm 2023, Bảo Tín Minh Châu thu về hơn 1.400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế chỉ dao động 4,5 - 5,5 tỷ đồng.
Doji cũng không phải ngoại lệ, khi biên lợi nhuận gộp chỉ vượt qua con số 1% (1,2%), và tỷ suất lợi nhuận/doanh thu cũng chỉ đạt 0,9% (100 đồng doanh thu tạo ra 0,9 đồng lợi nhuận). Với doanh thu khủng trên 75.778 tỷ đồng nhưng Doji chỉ lãi trước thuế 727 tỷ đồng.
PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận doanh thu thuần trên 33.000 tỷ đồng, nhưng điểm "khác biệt" của PNJ đó là cơ cấu giá vốn trong tổng doanh thu thấp hơn so với 3 doanh nghiệp còn lại. Thống kê của Dân Việt cho thấy, tỷ lệ giá vốn/doanh thu của PNJ là 84%, trong khi đó SJC, Bảo Tín Minh Châu hay Doji con số này đều trên 97%. Do đó, biên lợi nhuận gộp của PNJ lên tới trên 18%.
Kết thúc năm 2023, PNJ báo lãi trước thuế 2.489 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ở mức 5,9%.
Tổng cộng, 4 doanh nghiệp vàng đang bị thanh tra gồm SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và Doji, lãi hơn chỉ hơn 2.750 tỷ đồng (sau thuế) trong năm 2023, tương đương tỷ suất lợi nhuận/doanh thu bình quân 1,97%.
Về tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, quán quân năm 2023 thuộc về PNJ với 20,1%, gấp tới hơn 3 lần lãi suất tiết kiệm (khoảng 6%/năm), tiếp theo là Doji với tỷ suất 10,8%. Bảo Tín Minh Châu và SJC, tỷ suất sinh lời khiêm tốn hơn chỉ từ 3,9% - 4,3%.
4 doanh nghiệp kinh doanh vàng bị thanh tra gồm: Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Doji, Bảo Tín Minh Châu đều là những doanh nghiệp khá có tiếng trên thị trường vàng. SJC "nổi" với thương hiệu độc quyền, PNJ gắn với tên tuổi của bà Cao Thị Ngọc Dung, nhắc đến Doji nhiều người "nhớ" đến ông chủ Đỗ Minh Phú, trong khi đó Bảo Tín Minh Châu cũng "nổi" với thương hiệu vàng rồng Thăng Long.
Tuy nhiên, các dữ liệu về tài chính của các doanh nghiệp này ít được "soi" trong những năm trước (ngoại trừ PNJ là doanh nghiệp niêm yết). Thời gian gần đây, với sự bứt tốc mạnh của giá vàng, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp kinh doanh vàng mới được chú ý đến.