Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Thấy gì sau 10 ngày Michelin đến Việt Nam?
Ngày 6/6, Michelin công bố những nhà hàng, quán ăn đạt chuẩn tại Việt Nam. Tại sự kiện này, lần đầu tiên, Michelin Guide trao cho 4 nhà hàng tại Việt Nam 1 sao Michelin, cùng với 99 nhà hàng, quán ăn được giới thiệu trong danh mục Michelin Selected (nhà hàng được Michelin đề xuất) và Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng).
Nâng tầm ẩm thực Việt
Danh sách các nhà hàng, quán ăn tại Việt Nam được Michelin gắn sao, giới thiệu lần đầu có thể thấy thuộc đủ các phong cách ẩm thực khác nhau, từ Việt Nam đương đại, châu Âu đương đại, món ăn thuần Việt cho đến phong cách đường phố.
Dù thuộc phong cách ẩm thực nào đi nữa nhưng khi hỏi chủ nhiều nhà hàng, quán ăn thì 10 ngày qua, họ ghi nhận lượng khách đến ăn uống, khám phá và trải nghiệm đông hơn so với trước khi được Michelin giới thiệu.
Nhà hàng Madam Lam tại khu vực Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM, dù bình thường đã đông khách nhưng sau sự kiện Michelin, được vinh danh ở hạng mục Michelin Selected (nhà hàng được Michelin đề xuất), khách đến trải nghiệm nhiều hơn.
Các món ăn Việt được phục vụ theo phong cách Việt Nam đương đại tại nhà hàng Madam Lam, TP.HCM. Ảnh: Madam Lam
Chef Nguyễn Như Cường, đồng thời cũng là chủ hàng, cho biết họ theo phong cách ẩm thực Việt Nam đương đại từ những ngày đầu. “Chúng tôi đã cố gắng cùng nhau trong giai đoạn dài, theo định hướng phục vụ món ăn truyền thống Việt trên nền nguyên liệu chất lượng, phục vụ chất lượng”, ông nói.
Chủ nhà hàng Madam Lam là người đam mê ẩm thực Việt. Theo ông, ẩm thực Việt có rất nhiều yếu tố đặc biệt không thua kém một nền ẩm thực nào khác. Nhưng cách mà nhà hàng chọn đi theo là phong cách ẩm thực đương đại, vì muốn ngày càng nâng tầm ẩm thực Việt, đưa những món ăn Việt Nam vào nhóm cao cấp, tiếp cận khách nước ngoài.
“Ẩm thực truyền thống đã rất hay rồi và nên giữ như vậy. Chúng tôi chỉ mong muốn nâng tầm sao cho thêm tinh tế, chất lượng. Khi nâng tầm ẩm thực đương đại thì rõ ràng, dễ tiếp cận khách hàng nước ngoài hơn, dễ quảng bá hơn và đưa ẩm thực Việt Nam đi xa hơn”, Chef Cường bày tỏ.
Bà Summer Lê - chủ nhà hàng Nén Light, quận 1, cũng bày tỏ niềm vui khi phong cách ẩm thực sáng tạo của nhà hàng được Michelin ghi nhận. Đáng chú ý, Nén Light mới khai trương chưa đầy 1 năm sau khi chuyển địa điểm kinh doanh từ Đà Nẵng vào TP.HCM.
Theo bà Summer Lê, nhà hàng đã bền bỉ, kiên định với phong cách ẩm thực này. Mục tiêu cuối cùng là đưa ẩm thực địa phương, nguyên liệu Việt Nam giới thiệu bạn bè quốc tế. Sau sự kiện Michelin, theo kế hoạch, tháng 8 năm nay, họ sẽ mở lại nhà hàng tại Đà Nẵng nhằm tăng sự hiện diện cũng như thực hiện sứ mệnh quảng bá ẩm thực Việt.
Trong khi đó, các quán ăn phục vụ theo phong cách đường phố như cơm tấm Ba Ghiền (quận Phú Nhuận), phở Hòa Pasteur (quận 3), miến gà Kỳ Đồng (quận 3)… cũng ghi nhận lượng khách đông đáng kể sau khi được Michelin “gọi tên”.
Nhiều cửa hàng từ không biết Michelin là gì thì sau các hiệu ứng tích cực, giờ đây có thể tiếp tục quảng bá, chia sẻ các cách thức làm hay để từng bước nâng tầm cửa hàng, có thêm nhiều thương hiệu mới có mặt trong cuốn cẩm nang Michelin Guide.
Còn nhiều việc phải làm
“Đạt được Michelin đã khó, giữ được còn khó hơn và phải nâng lên từng hạng thì mới thực sự xuất sắc”, ông Lại Minh Duy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty TSTtourist đánh giá. Theo ông, đây cũng là nỗi lòng, kỳ vọng của chủ nhà hàng, quán ăn và giới chuyên môn ẩm thực, du lịch.
Hoạt động lữ hành thường có 2 nhóm đối tượng khách hàng là khách cá nhân và khách đoàn, bao gồm cả các đoàn số lượng lớn khách MICE. Nhóm đối tượng thứ nhất thì các nhà hàng, quán ăn Michelin phục vụ tốt nhưng nhóm khách đoàn thì sẽ gặp khó khăn. Ông Duy cho rằng, tương lai cần định hướng và có sự chuẩn bị để đón nhóm khách lớn này.
“Ngành du lịch không chỉ làm du lịch mà còn các hoạt động tương hỗ, ẩm thực là gắn liền với lữ hành. Từ giờ, các hoạt động xúc tiến du lịch cần sự đồng hành giữa các đơn vị, vừa có lữ hành vừa có ẩm thực giới thiệu với du khách”, ông Duy nói thêm.
Bà Phạm Thanh Hoa - chủ nhà hàng Bếp Mẹ Ỉn (quận 1) đánh giá nhân lực trong ngành F&B đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết nhà hàng cao cấp lẫn quán ăn bình dân đang có mối lo chung là nhân sự không gắn bó lâu với công việc.
“Ở chiều ngược lại, tuyển dụng nhân sự trong ngành rất khó khăn”, bà Hoa nói. Theo bà, các nhà hàng vừa và nhỏ chấp nhận những nhân sự hạn chế về tính chuyên nghiệp, sẽ đào tạo như một người mới nhưng chưa kể, người lao động sẽ bắt đầu dịch chuyển khi có kinh nghiệm.
“Tôi cho rằng nên có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động trong định hướng phát triển du lịch ẩm thực để ngày càng phát triển tốt hơn”, bà Hoa nói.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết theo định hướng của ngành du lịch TP.HCM, đến năm 2030, du lịch ẩm thực là sản phẩm du lịch chính của TP.HCM.
Theo bà Hoa, 55 nhà hàng, quán ăn đầu tiên tại TP.HCM trong danh sách Cẩm nang Michelin mang đến tín hiệu tích cực cho ngành du lịch, giúp tăng cường nhận thức của du khách quốc tế về ẩm thực Việt, thúc đẩy du lịch ẩm thực với mục tiêu đưa Việt Nam nói chung và TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết sắp tới, TP.HCM sẽ kiến nghị có chính sách hỗ trợ nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực Thành phố tổ chức các lớp ẩm thực với sự hướng dẫn của giới chuyên môn.
Ngoài ra, các lớp học thực chiến với đầu bếp nổi tiếng cũng sẽ được triển khai để phát triển du lịch ẩm thực của thành phố.