Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Theo dấu chân khách hàng
Trong suốt hơn hai thập kỷ có mặt tại Việt Nam và thay đổi nhận diện thương hiệu hồi năm 2016, Tết 2024 là năm đầu tiên MM Mega Market tổ chức một chương trình đặc biệt chưa từng có: Chủ động mời và giới thiệu hàng Tết sớm cho nhóm khách B2B chuyên nghiệp (gồm doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, căn tin) trên cả nước.
Diễn ra trước Tết Nguyên đán đúng 3 tháng, khách được giới thiệu hàng Tết sớm, hàng Tết độc quyền, các giải pháp quà tặng và đặc biệt là chương trình ưu đãi lớn khi chốt đơn sớm.
Khởi động mới…
Sau hơn nửa tháng chào hàng, MM ghi nhận khoảng 30.000 lượt khách hàng tham gia và nhiều đơn sỉ lớn. "Dù là một năm nhiều thách thức nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng tăng trưởng cao vào mùa Tết. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi tổ chức một loạt chương trình ưu đãi giá tốt và đặc biệt là lần đầu tiếp thị hàng Tết cho nhóm khách hàng chuyên nghiệp", ông Đinh Quang Khôi - Phó Giám đốc Marketing MM Việt Nam, nói.
Đây chỉ là 1 trong số nhiều giải pháp mà các nhà bán lẻ đưa ra để chủ động tìm khách hàng trong bối cảnh chi tiêu dè dặt. Đồng thời, trước những thay đổi trong hành vi mua sắm, một loạt hệ thống siêu thị đã định hình lại chiến lược, tái cấu trúc điểm bán và cho ra đời những mô hình kinh doanh mới.
WinMart tích cực cải tạo hệ thống cửa hàng tiện ích. Các cửa hàng WinMart+ tại thành thị "lột xác" hoàn toàn, trông tương tự một siêu thị thu nhỏ với đầy đủ tiện ích "All That You Need". Trong khi đó, điểm bán tại nông thôn có phần bình dân hơn, hướng đến cung cấp đầy đủ sản phẩm với giá tốt. Bách Hóa Xanh sau khi đóng bớt cửa hàng cũng đã tái cấu trúc lại điểm bán như một siêu thị mini thay vì gần giống chợ truyền thống như trước.
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, siêu thị mini có nhiều ưu điểm hơn so với siêu thị quy mô lớn bởi đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, tiện lợi của người tiêu dùng đô thị. Những chuyển biến về mô hình kinh doanh của WinMart trong năm 2023 đang ghi nhận kết quả tích cực. Doanh nghiệp kỳ vọng đây là cột mốc quan trọng tiến đến điểm hòa vốn lợi nhuận sau thuế của toàn bộ mạng lưới 2024. Hay Bách Hóa Xanh, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đang tăng dần đều trong những tháng cuối năm 2023.
KingFood Mart cũng chọn gia nhập thị trường bán lẻ bằng phân khúc siêu thị mini. Hàng loạt điểm bán mới của "tân binh" này khai trương trong năm 2023, tập trung ở các khu dân cư. Không khó bắt gặp cảnh nhộn nhịp vào giờ tan tầm, khách nối nhau xếp hàng chờ thanh toán. Aeon cũng đã đã quyết định đầu tư vào phân khúc siêu thị mini sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, vị trí đặt tại các chung cư, bao gồm cả thuê mặt bằng từ các trung tâm thương mại.
Click, scan và ship
Trong khi những thay đổi ở kênh mua sắm trực tiếp có phần không đồng đều thì ở kênh trực tuyến, hầu hết nhà bán lẻ đều nhập cuộc. Manh nha từ Covid-19, các ứng dụng, nền tảng mua sắm online của Co.opmart, Big C, Tops Market, Emart, Aeon, MM Mega Market… đã ra đời và ngày càng được nâng cấp. Doanh thu từ kênh online của các siêu thị đang tăng dần.
"MM đã phát triển kênh MCard dành cho khách sỉ và lẻ, số lượng thành viên đang tăng nhanh, hiện đạt 800.000 thành viên, dự đoán con số này có thể lên đến 2 triệu khách", ông Bruno Jousselin - Tổng Giám đốc điều hành MM Việt Nam, nói.
"Chúng ta đang trong quá trình ngược gió tìm tăng trưởng. Trong khó khăn, ai thích ứng và trụ được thì sẽ vươn lên mạnh mẽ trong tương lai"
Ông Lê Hoàng Long
Kênh mua sắm trực tuyến của MM vận hành "theo dấu chân khách hàng", nghĩa là dựa trên nhu cầu mua sắm, đặc biệt ở nhóm khách nhà hàng, khách sạn, căn tin để đưa ra những gợi ý hàng hóa định kỳ. Nhiều khách chuyển từ đặt hàng trực tiếp qua trực tuyến, tỷ lệ doanh thu kênh này chiếm phần lớn tổng doanh thu của MM hiện nay. "Chuyển đổi kỹ thuật số của chúng tôi hiện gần giống như Amazon", ông Bruno Jousselin nói thêm.
Các doanh nghiệp bán lẻ nội như Co.opmart cũng nhanh chóng chuyển mình. Không chỉ bán trực tuyến, khách chỉ cần click và được ship hàng tận nơi, nhà bán lẻ này còn đưa ra giải pháp quà tặng trực tuyến (evoucher) dành cho khách. Evoucher của bên thứ ba cung cấp sẽ được chấp nhận thanh toán tại siêu thị thay vì chỉ sử dụng voucher giấy do chính siêu thị phát hành trước đây. Khách chỉ cần đưa evoucher, nhân viên scan (quét) mã là có thể thanh toán nhanh chóng hoặc chủ động sử dụng mã quà tặng khi thanh toán online.
Ông Bùi Hoài Nam - Giám đốc điều hành UrBox (doanh nghiệp cung cấp giải pháp evoucher cho các hệ thống siêu thị), cho biết nhu cầu quà tặng trực tuyến, evoucher đang tăng cao. Khách hàng hiện có của UrBox là doanh nghiệp vận tải, hàng không, tài chính ngân hàng, công nghệ, hàng tiêu dùng… UrBox đã cung cấp quà tặng điện tử cho hơn 600 doanh nghiệp, 10 triệu quà tặng evoucher. Và bán lẻ là một trong những "địa hạt" mới đầy tiềm năng của họ.
"Việc ứng dụng evoucher vào các quy trình chăm sóc khách hàng và chiến dịch bán hàng giúp đáp ứng được đa dạng nhu cầu mua sắm - thanh toán - tặng quà của người tiêu dùng, tối ưu hóa vận hành cho doanh nghiệp. Evoucher cũng phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững, giúp giảm thiểu lãng phí", ông Nam nói và cho biết với lượng khách hàng lớn, phía doanh nghiệp và nhà bán lẻ kỳ vọng sẽ mở rộng được thêm nhiều khách hàng với giải pháp quà tặng điện tử bởi mua sắm online, thanh toán trực tuyến đang là xu thế.
Ông Lê Hoàng Long - Trưởng bộ phận ngành hàng bán lẻ của NielsenIQ Việt Nam, đánh giá mua sắm trực tuyến đang là xu thế. Người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với hình thức này, vì vậy, các dịch vụ đi kèm phải đa dạng hơn cũng như hoàn thiện các dịch vụ cơ bản như thời gian giao hàng, nguồn gốc sản phẩm.