Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Thủ phủ hàng xách tay buôn bán nhộn nhịp, giá rẻ bằng nửa thị trường
Đi dọc trục chính mặt phố Nguyễn Sơn, rất khó để bắt gặp các cửa hàng bán đồ xách tay. Thế nhưng, khi đi sâu vào các ngõ của con phố này, hàng loạt cửa hàng bán mỹ phẩm, rượu, đồ ăn xách tay từ nước ngoài bắt đầu hiện ra.
Điểm chung của các cửa hàng này là đều không trưng trong biển chính dòng chữ "hàng xách tay", mà thường đề là "chuyên hàng Nga", "chuyên hàng Đức"... Các cửa hàng cũng cố gắng bày các mặt hàng xách tay ra ngay cửa chính để khách hàng dễ nhận biết.
Khi bước vào cửa hàng M.K.M, phóng viên được nhân viên của cửa hàng giới thiệu tận tình về các mặt hàng xách tay đang bày bán.
"Tất cả hàng mỹ phẩm bên em đều là hàng xách tay. Những hàng này đều do chị chủ của em đi sang nước ngoài mua về. Có một số hàng ở Việt Nam không có nhưng nhà em lại có" – nhân viên này quảng cáo.
Tham khảo giá dòng sản phẩm Serum khoáng Minéral 89 50ml của Vichy, phóng viên được nhân viên báo giá 550.000 đồng. Trong khi đó, trên website nhập khẩu chính hãng Vichy tại Việt Nam, sản phẩm này lại có giá gần gấp đôi – 1.045.000 đồng.
Tương tự, các sản phẩm như kem chống nắng La Roche-Posay, kem chống nắng Clarins tại cửa hàng này cũng có giá "mềm" hơn rất nhiều so với các sản phẩm nhập khẩu chính hãng đang bán trên thị trường.
Ngoài các mặt hàng mỹ phẩm, cửa hàng này còn bày bán các loại bánh kẹo, rượu của nước ngoài.
Dù tận tình tư vấn chi tiết từng dòng sản phẩm, nhưng khi được hỏi về hoá đơn của các sản phẩm này, nhân viên này trả lời qua loa: "Hoá đơn do chị chủ em cầm, em cũng không biết".
Tại một cửa hàng bán hàng xách tay khác có tên H.S, phóng viên dễ dàng tìm kiếm tất cả các sản phẩm của Hàn, Nhật, Pháp, Đức... dù cho cửa hàng đề biển "chuyên hàng Nga".
Cửa hàng này không công khai giá trên kệ, chỉ khi người mua hỏi giá, người bán mới trả lời. Đặc biệt, người mua có thể dễ dàng mặc cả, dù giá sản phẩm đã thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập khẩu chính ngạch.
Cụ thể, khi hỏi mua sản phẩm xịt khoáng Avène 150ml, nhân viên cửa hàng báo giá 270.000 đồng. Sau khi khách hàng mặc cả, nhân viên đã giảm 10.000 đồng. Trong khi đó, gian hàng chính thức của Avène bán sản phẩm này với giá 315.000 đồng.
Với các sản phẩm khác, nhân viên cũng nói có thể giảm sâu nếu mua với số lượng lớn.
"Em mua nhiều bọn chị sẽ giảm cho em nhiều. Đây đều là hàng xách tay cả, nên giá rẻ hơn so với thị trường. Em cứ yên tâm về chất lượng sản phẩm" – nhân viên nói.
Còn tại của hàng L.T, chủ cửa hàng khẳng định chắc nịch, tất cả các sản phẩm đều chính hãng, có hoá đơn mua hàng tại nước ngoài. Khi được hỏi về lý do vì sao sản phẩm có giá thấp hơn nhiều so với giá công bố trên website chính hãng của các hãng, chủ cửa hàng cho biết do xách tay về Việt Nam nên có giá rẻ hơn.
Khi khách hàng đề nghị xuất hóa đơn đỏ, nhân viên cửa hàng ngay lập tức từ chối yêu cầu này.
Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Nghị định 98/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2020. Điều 15 Nghị định này quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa nhập lậu. Đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Lao động
Xách tay hàng lậu, bệnh khó chữa của một số nhân viên hàng không
18/03/2023 19:00Tránh mất tiền khi đặt mua iPhone 14 xách tay
16/09/2022 06:00
Hé lộ bất ngờ ở “thiên đường” hàng xách tay Nguyễn Sơn
11/01/2018 21:00