Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh hợp tác trong chip bán dẫn, năng lượng, đất hiếm...
Thứ trưởng Fernandez, người phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cung cấp thông tin trên tại buổi gặp gỡ với các thành viên của AmCham (Hiệp hội Thương mại Mỹ) ở TP.HCM chiều 24/1.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez phát biểu trong buổi gặp với các thành viên AmCham tại TP.HCM ngày 24/1/2024. Ảnh: Tường Thụy
"Trong lĩnh vực chip bán dẫn, các công đoạn cụ thể để tăng cường đầu tư gồm lắp ráp, kiểm định và đóng gói", ông Fernandez cho biết.
Chip bán dẫn cũng là chủ đề hợp tác nổi bật trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam tháng 9/2023, trong đó Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Trong chuyến thăm lần này của mình, nhiệm vụ của ông Fernandez tập trung vào thúc đẩy hợp tác thương mại, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo (như điện gió và điện mặt trời), hợp tác phát triển chuỗi cung ứng và ngành bán dẫn.
Các nguyên tố đất hiếm được sử dụng để sản xuất chip bán dẫn, xe điện, tua-bin điện gió, điện thoại thông minh… Năm 2022, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn; và năm nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế là Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (12 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Đất hiếm là loại khoáng sản được Trung Quốc dùng làm công cụ trong thương mại quốc tế. Năm 2010, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản và do đó báo chí Nhật hay dùng cụm từ "cuộc chiến khoáng sản" để nói về động thái trên vì Nhật Bản là nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung các khoáng sản từ Trung Quốc.
Sau đòn hạn chế trên, Nhật phải tìm kiếm nguồn cung đất hiếm từ Australia và một số nước khác. Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 tháng 4/2023, Nhật và các thành viên nhóm nước G7 khác muốn hợp tác xây dựng mạng lưới cung ứng các khoáng sản quan trọng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vì vậy họ thành lập một quỹ chung trị giá 13 tỷ USD để cùng hỗ trợ khai thác những mỏ khoáng sản và các dự án liên quan.
Được thành lập năm 1976, nhóm G7 là liên minh của 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy.
Hiện tại ở Việt Nam, các công ty Mỹ có hơn 1.200 dự án được Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thực hiện với tổng giá trị đầu tư hơn 11 tỷ USD. AmCham cho rằng con số này chắc chắn sẽ tăng lên. Đến nay, "ông lớn" chip bán dẫn Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, với nhà máy đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Trong khi đó, Amkor Technology (công ty bán dẫn có trụ sở chính ở Mỹ) cũng cam kết đầu tư tổng cộng 1,6 tỷ USD vào Việt Nam. Nhà máy chip hiện đại của Amkor tại Bắc Ninh được khai trương tháng 10/2023, đúng một tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden.
Hiện nay, Marvell Technology, 1 công ty bán dẫn khác từ Mỹ, đang chuẩn bị đưa vào hoạt động Trung tâm Thiết kế Bán dẫn tại TP.HCM. Kế hoạch của Marvell là đưa trung tâm này thành nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất.