Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Long Thành và Tân Sơn Nhất - Cụm cảng hàng không hùng mạnh sẽ đổi diện mạo vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ
KHỞI CÔNG "TRÁI TIM" SÂN BAY LONG THÀNH VÀ NHÀ GA T3 TÂN SƠN NHẤT - SỰ KIỆN ĐÁNH DẤU MỐC LỊCH SỬ NGÀNH HÀNG KHÔNG
Chiều nay, 31/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã bấm nút khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng của 2 sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, với tổng mức đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng.
Lễ khởi công được kết nối trực tuyến giữa Long Thành - tỉnh Đồng Nai và Tân Sơn Nhất - TPHCM.
2 gói thầu đặc biệt quan trọng của Sân bay Long Thành khởi công hôm nay là gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách giai đoạn 1 cùng gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay. Tổng mức đầu tư 2 gói thầu này hơn 42.000 tỷ đồng.
Trong đó, gói thầu lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách với tổng đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng là gói thầu có trị giá lớn nhất, hạng mục quan trọng nhất trong tất cả các gói thầu của sân bay Long Thành giai đoạn 1, có tính chất quyết định tiến độ chung của toàn dự án.
Đây cũng là một trong những gói thầu lớn nhất trong lĩnh vực hàng không được triển khai tại Việt Nam.
Còn gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có giá trị hơn 7.300 tỷ đồng, với thời gian thi công khoảng 23 tháng, chính là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của sân bay Long Thành.
2 gói thầu này liên quan trực tiếp tới hoạt động bay an toàn, hiệu quả nên yếu tố chính xác về mặt kỹ thuật được đặt lên hàng đầu. Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân nhất hiện nay cũng được áp dụng vào dự án để xây dựng sân bay Long Thành hiện đại, thông minh, sánh ngang với các sân bay cùng quy mô trên thế giới.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, khởi động từ năm 2021, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 năm 2026, có tổng đầu tư khái toán 336.630 tỷ đồng, được thiết kế đạt công suất 100 triệu khách và 25 triệu tấn hàng hóa một năm.
Theo ACV, sân bay Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới, là dự án quan trọng quốc gia, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam. Đây không chỉ là sân bay lớn nhất Việt Nam, mà hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực, được kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế.
Cùng với sân bay Long Thành, dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi hoàn thành với công suất 50 triệu hành khách/năm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không nói riêng, sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước nói chung. Vì vậy, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng, cùng khởi công trong chiều nay được đánh giá là dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất gồm 3 hạng mục chính, là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga. Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga T3 là hạng mục quan trọng nhất, có tổng mức đầu tư gần 9.300 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng và sẽ hoàn thành đưa vào vận hành thử vào đầu quý II/2025.
Sau khi hoàn thành, nhà ga hành khách T3 là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tầu bay (Code C và Code E).
LONG THÀNH VÀ TÂN SƠN NHẤT- CỤM CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ HÙNG MẠNH
2 sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất sẽ tạo thành một cụm cảng hùng mạnh, hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.
Bấm nút khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của 2 dự án tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có ý nghĩa quan trọng với việc kết nối trong nước và quốc tế, phát triển vùng Đông Nam Bộ.
"Giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng, mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, hàng không là loại hình vận tải có tốc độ vận chuyển nhanh nhất với nhiều ưu thế. Trong những năm qua, hạ tầng hàng không nước ta được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới với nhiều nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế. Nhiều sân bay đã trở nên quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh sân bay Long Thành giai đoạn 1 và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với "hệ sinh thái kinh tế hàng không", tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bộ, ngành, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai cùng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, giám sát; tháo gỡ khó khăn kịp thời trong quá trình thực hiện dự án, thúc đẩy tiến độ công trình, với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả.
Thủ tướng kêu gọi các nhà thầu thi công trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xây dựng, huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đặc biệt nghiêm cấm sử dụng nguyên vật liệu không đủ tiêu chuẩn, chất lượng, hoặc thi công không đủ nguyên vật liệu theo yêu cầu…
Thủ tướng đề nghị bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch.
Cần 420.000 tỷ đồng để đầu tư cảng hàng không, cả nước sẽ có 30 sân bay đến năm 2030
12/06/2023 19:42Kỳ vọng gỡ thế quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất nhờ nhà ga T3 và đường kết nối
28/12/2022 16:24Bất ngờ Chủ tịch mới của Bamboo Airways: Từng là sếp Japan Airlines, giám đốc dự án sân bay tại Nhật Bản
21/06/2023 21:52