Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cách nào?
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện (số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023) tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Theo công điện, ngày 11/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán phát triển, phát huy vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.
Thời gian qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực, trách nhiệm thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán. Về cơ bản, thị trường chứng khoán đã duy trì hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả và minh bạch hơn. Đã từng bước lập lại trật tự, kỷ cương kỷ luật trên thị trường chứng khoán, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Cùng với đó, công tác thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam được chú trọng.
Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển an toàn, minh bạch, bền vững hơn, công điện của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 86 và các Nghị quyết, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định pháp luật. Yêu cầu bám sát diễn biến thị trường để chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính phải phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển an toàn, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả của nền kinh tế.
Bộ Tài chính cũng được yêu cầu chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra và vào thị trường, để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát thị trường chứng khoán phù hợp, sát với tình hình, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn.
Cơ quan này cũng được giao chủ động, thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế. Mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường chứng khoán cả trước mắt và lâu dài.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán; nâng cao hiệu quả hoạt động các thành viên thị trường, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… Đồng thời đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư theo, hướng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư. Nhất là phải chủ động cung cấp thông tin, đào tạo kiến thức tài chính – chứng khoán cho nhà đầu tư cá nhân.
Công điện lưu ý Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất, nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức; kịp thời, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Có giải pháp hiệu quả để bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật các giao dịch trên thị trường chứng khoán. Các vi phạm trên thị trường chứng khoán phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm; cảnh báo sớm và có phương án xử lý các rủi ro có thể phát sinh, bảo đảm thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt.
Đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án công nghệ thông tin, các đề án lớn của ngành chứng khoán, để đảm bảo nền tảng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở pháp lý cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lâu dài.
Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, sớm hoàn thành việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư; tiến tới việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán, góp phần nâng cao tính an toàn, minh bạch của thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các tin đồn, bịa đặt, sai sự thật ảnh hưởng đến an toàn của thị trường chứng khoán.
Một điều lưu ý là tăng cường quan hệ, kết nối với các cơ quan, tổ chức, định chế tài chính lớn trên thế giới quảng bá hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút mạnh mẽ dòng vốn gián tiếp đầu tư trên thị trường chứng khoán.
NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và thực hiện các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, bảo đảm đồng bộ giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Chứng khoán điều chỉnh bình thường hay bất thường?
09/10/2023 11:06Giấc mơ niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế của Tiki và nhà sáng lập Trần Ngọc Thái Sơn
17/08/2023 08:55Sự kiện lịch sử của doanh nghiệp Việt: Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đưa VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tối 15/8
15/08/2023 22:25