Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
TikTok Shop, Shopee bị nhà bán hàng tố “làm luật”, tự ý nâng chiết khấu
TikTok Shop, Shopee bị tố “làm luật”
Tại chương trình đối thoại giữa doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử và chính quyền TP.HCM ngày 22/9, bà Hồ Hoài Thu - đại diện công ty Rebaca, chuyên bán mỹ phẩm trên TikTok Shop cho biết, công ty bán mỹ phẩm trên TikTok Shop được hai năm nay.
Theo bà Thu, kể từ khi gia nhập sàn này, phí thanh toán liên tục tăng với mức tăng chóng mặt.
Giai đoạn đầu, phí thanh toán trên TikTok Shop chỉ 1,5% nhưng sau đó tăng lên 3,5%, tiếp tục tăng lên 4,5%, rồi tăng lên 7,5% và hiện nay là 10,8%. Điều này đồng nghĩa sàn đã tăng chi phí thanh toán tổng cộng 4 lần và mức phí hiện nay gấp gần chục lần lúc đầu.
Theo bà Thu, trong xu hướng hiện nay, cứ 10 nhà bán hàng thì gần như 9 nhà bán hàng chọn TikTok Shop, vì vậy, việc tăng chi phí ảnh hưởng lớn nhà bán hàng. “Dù tăng liên tục nhưng sàn lại không đi kèm nâng cấp, cải thiện dịch vụ”, chị Thu nói thêm.
Bà Lê Thị Phượng Diễm - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Trái Dừa (quận 11), cho biết Shopee từ đầu năm đến nay tăng Shopee đã 2 lần tăng phí thanh toán. Lần một tăng từ 2,5% lên 3% vào đầu năm và mới đầu tháng 9, tiếp tục tăng từ 3% lên 4%.
“Nhìn qua con số này thì thấy không đáng kể. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động được, tức phải chi thêm cho chi phí cố định, phí quảng cáo để sản phẩm xuất hiện ở vị trí ưu tiên, có doanh thu thì tổng chi phí đội lên đến 22 - 23% doanh thu, như vậy là rất cao. Điều đáng nói là họ chỉ tăng phí dịch vụ mà không tăng chất lượng phục vụ”, bà Diễm phản ánh.
Bà cũng cho biết thêm phía nhà bán hàng chỉ nhận được thông báo từ phía Shopee trước vài ngày và thực hiện theo, chứ không có phương án nào khác.
Trao đổi thêm với phóng viên, bà còn cho biết kinh doanh trên sàn thương mại điện tử còn gặp phải tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể, gian hàng của bà gặp phải tình trạng khiếu nại giả, sàn lập tức khóa sản phẩm mà không thông qua bước xác minh với nhà cung cấp. Điều này khiến mất nhiều thời gian khiếu nại để sản phẩm được bán trở lại bình thường.
Các nhà bán hàng này đặt vấn đề hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đã có cơ chế nào để kiểm tra, giám sát việc ban hành mức phí cũng như hỗ trợ các nhà bán hàng trong bối cảnh nhà nhà đều bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Cần có chính sách bảo vệ nhà bán hàng
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết về việc tăng phí thanh toán trên các sàn hiện nay, đây là mối quan hệ dân sự giữa các bên.
Tuy nhiên, theo ông, trong thỏa thuận ban đầu giữa hai bên, có thể việc tăng phí thanh toán phải được thông báo trước trong bao nhiêu ngày. Các sàn phải nêu rõ cách thức tính giá dịch vụ. Từ đó, nhà cung cấp có quyền tham gia hoặc không tham gia.
Ông Tuấn cũng nói thêm khi các sàn có quyền tăng giá, phí thanh toán thì các nhà cung cấp có quyền khiếu nại theo quy định khi cảm thấy việc tăng này là không cạnh tranh lành mạnh. Nhà cung cấp có thể gửi đơn, yêu cầu khiếu nại, phản ánh đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Nhiều nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cho rằng quyền lợi của nhà bán hàng trên các sàn cũng cần được bảo vệ như quyền lợi quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo đó, có nhà bán hàng đề xuất thành lập Hiệp hội Nhà bán hàng vừa và nhỏ trên sàn thương mại điện tử TP.HCM, đặt dưới sự quản lý của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Hiệp hội sẽ giúp hỗ trợ hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ uy tín, giữ chất lượng hàng hóa, dịch vụ của nhà bán hàng trên các sàn. Đây cũng là thu thập, phản ánh vướng mắc, khiếu nại của nhà bán hàng với các sàn hoặc chuyển ý kiến, nguyện vọng đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Bát nháo kinh doanh, kiếm tiền trên TikTok ở Việt Nam
04/04/2023 17:06TikTok Việt Nam sẽ bị thanh tra vì nhiều nội dung độc hại
04/04/2023 09:59