Tin khó tin: "Tượng dê bị chê", "Chàng trai có trái tim thiếu nữ"...!

12/06/2017 11:29 GMT+7


Tượng dê bị chê

Thành phố Ninh Bình vừa cho hạ tượng đàn dê được đặt giữa ngã ba Tam Giác xuống. Trước đó, UBND TP. Ninh Bình đã cho đặt tượng một đàn dê trắng đắng trên hòn non bộ tại ngã ba này. Nhiều người dân cho rằng việc đặt tượng đàn dê giữa trung tâm thành phố là không phù hợp. Vả lại đây chỉ là một món ăn đặc sản, nên không mang tính đại diện cho tỉnh và thành phố Ninh Bình. Tượng nào chẳng là tượng? Ở Châu Đốc (An Giang), có cả tượng đài cá ba sa, là món đặc sản nức tiếng trong và ngoài nước, mà có ai nói gì đâu? Cứ tạc tượng đặc sản có hề gì? Ở Ninh Bình là tượng dê, ở Châu Đốc tượng cá ba sa. Tiếp tới là Thanh Hóa tượng nem chua, Nghệ An tượng cá bằng gỗ, Hà Tĩnh tượng cá bằng thép... Ai vừa đáp xuống sân bay Nội Bài, qua cầu Nhật Tân vào trung tâm thủ đô, biết đâu gặp được tượng cả đàn chó... Có sao đâu nào? Còn chê rằng tượng đàn dê này chưa đủ sang thì chuyển sang tạc tượng cả đàn trâu. Đừng vội xem thường đàn trâu, trâu này nào phải tầm thường, là trâu của Đinh Tiên Hoàng cưỡi ngày xưa chứ không phải đùa. Thôi cứ bỏ dê, chuyển sang trâu, đảm bảo đầy đủ từ văn hóa, lịch sử, truyền thống, sang trọng...


Chàng trai có trái tim thiếu nữ

Xưa nay, có cái khái niệm “chàng trai có trái tim thiếu nữ”, “chàng trai mang tâm hồn thiếu nữ” để chỉ những người đàn ông... lãng mạn quá, hoặc... thuộc giới tính thứ ba, không có gì là phân biệt, kỳ thị gì cả... Đây là bẩm sinh, không thay đổi được, cũng chỉ khác biệt về đối tượng luyến ái thôi, còn mọi việc khác đều chẳng có gì khác những người còn lại. Thành ra cách nói “chàng trai có trái tim thiếu nữ” cũng chỉ là một cách nói. Vừa qua, tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), đã lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tim từ người chết cho não. Người cho là một cô gái 18 tuổi chẳng may bị tai nạn giao thông, người nhận là một chàng trai bị bệnh giãn nở cơ tim từ ba năm nay. Nên giờ bệnh nhân này đã trở thành chàng trai có trai tim thiếu nữ hoàn toàn theo nghĩa đen. Thành ra, hãy mang theo trái tim này, quà tặng quý giá nhất của con người mà sống thật đàng hoàng để đừng phụ người đã khuất.


Bia và sữa

Theo khảo sát mới nhất, bình quân mỗi người Việt từ bé sơ sinh đến già ngáp ngáp, đang uống tới 38 lít bia/năm, trong khi với sữa con số này chỉ là 21 lít/năm. Nói dài dòng chi phí lời, nói thẳng ra là người Việt uống bia nhiều hơn uống sữa. Hầu như trừ lứa tuổi từ thiếu niên nhi đồng trở xuống, thì người Việt hầu như trọng bia hơn sữa. Và chỉ chấp nhận uống sữa khi đã không còn uống được bia. Chuyện uống bia của nước ta, thì khỏi phải bàn nhiều, đã có số má trên toàn thế giới. Sản lượng tiêu thụ bia, tiêu thụ rượu, tiêu thụ rượu giả, bia dỏm... đều nhất nhì thế giới cả. Còn sữa, chỉ hầu như chỉ có trẻ con mới uống, chứ người lớn không chuộng. Bởi thế, ở đây ta mới thấy mới quan hệ nhân quả: không có thằng uống bia thì sẽ không có thằng uống sữa. Vốn có câu “rượu nhập tâm cuồng dâm nổi dậy”, cứ bia rượu nạp vào, người thấy sần sần, là lại có nhiều trẻ con, có trẻ con thì lại có nhiều người uống sữa. Cho nên, muốn cho có nhiều người uống sữa, thì một trong những biện pháp ấy là tăng lượng người uống bia.


Cần phải quyết liệt hơn

Trong những ngày hè nắng nóng này, đến với những khu công viên nước là lựa chọn phổ biến của nhiều người. Và công viên nước Đầm Sen (TP. HCM) cũng không phải ngoại lệ. Vừa qua, công viên nước Đầm Sen vừa tổ chức một buổi vũ sexy với dàn vũ công chân dài mặc toàn bikini ra biểu diễn trong khoảng nửa tiếng. Khỏi nói, dân tình bu vô coi đông nghẹt. Có điều, biểu diễn sexy quá nên mấy bà mẹ phải bịt mắt con cái lại. Làm vậy xét cho cùng vẫn chưa đủ, bởi bịt mắt con mà quên bịt mắt chồng. Quả không hổ là công viên nước, vừa ngó thôi đã thấy nước lênh láng. Trước tình hình này, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã lên tiếng. Theo đó, Cục đã đề nghị Sở VH-TT&DL TP. HCM xem xét, chỉnh đốn lại các hoạt động này. Ơ, chỉ nói thế thì còn gì là Cục nữa chứ. Cách hàng xử này quả là gây thất vọng. Cục phải vào tận nơi, bắt mọi người cung cấp clip ghi lại đoạn vũ sexy bikini này. Qua đó xem xét xem âm nhạc dùng trong clip có được cấp phép, hoặc bị cấm gì không? Nếu không bị cấm (điều kiện cần) và đã được cấp phép (điều kiện đủ) thì tiếp theo là phải đòi Đầm Sen trả tiền tác quyền. Thế mới là bản sắc của cái Cục này chứ.

Đổi cây lấy phát triển
Việc di chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh dọc đường Phạm Văn Đồng để thi công dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long (TP. Hà Nội) quả là chuyện nan giải, chưa biết tính sao. Ý kiến thì có 2 chiều. Thứ nhất là cho rằng đốn cây để làm đường là hợp lý. Đương nhiên kiến này thuộc về ý kiến của chủ đầu tư. Đại khái là cây có thể trồng lại, đường không thể không làm. Cho rằng phải đổi cây để phát triển là tất yếu. Ý kiến thứ hai, cho rằng không nên đốn. Bảo rằng phát triển kiểu đấy là phát triển không bền vững. Nói chung cãi nhau đến nay cũng chưa xong. Ngoài ra, còn phải kể đến ý kiến thứ 3 nữa. Đó là đốn mất cây, thì mất đi một số truyền thống tốt đẹp. Chẳng hạn người đi đường, không còn chỗ để tè bậy. Rõ ràng là dân Việt vẫn còn thói quen tè bậy, và tè bậy vào gốc cây vẫn tốt hơn là tè tô hố ngoài đường lộ. Đấy, đổi cây lấy phát triển, ngoài mấy cây, còn mất cả truyền thống nữa.

Trương Minh Hoàng