Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
TP.HCM đề nghị giữ ổn định giá gạo
Chưa tăng giá gạo
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo trong nước hiện ở mức cao, đặc biệt trong quý 2/2023 do nhu cầu tăng mạnh tại nhiều thị trường (Indonesia công bố nhập khẩu 2 triệu tấn, Philippines gia tăng nhập khẩu để kiềm chế lạm phát, Trung Quốc nhu cầu mua tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022…) và nguồn cung gạo toàn cầu khu vực giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu. Đối với lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu, so với cùng kỳ năm 2022, giá lúa tăng từ 1.300 đồng đến gần 1.9000 đồng/kg; giá gạo các loại tăng từ 2.400 đồng đến gần 3.400 đồng/kg.
Trước tình hình trên, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, giá lúa gạo tăng chỉ tập trung ở khu vực xuất khẩu; với thị trường nội địa, giá chưa có biến động nhiều. Theo Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá gạo tiêu dùng trên địa bàn thành phố vẫn giữ mức bình ổn, trung bình trong tháng 7/2023 ở mức 15.900 - 16.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon từ 19.500 - 20.900 đồng/kg, gạo nếp thường 22.600 đồng/kg, gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg...
Để có mức giá bình ổn nói trên, ngay từ đầu năm nay, chính quyền Thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn. Cụ thể, có 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: lương thực (gạo, lương thực chế biến khô, bột...); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa đã tham gia chương trình bình ổn giá. Trong đó, các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23% đến 31%; các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường.
"Sắp tới, Thành phố cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối… Do đó, Thành phố tiếp tục tập trung thực hiện đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định, đồng thời tổ chức bán hàng lưu động để ứng phó mọi tình huống biến động sốt giá cục bộ", ông Ngô Hồng Y cho biết thêm.
Lan tỏa chương trình bình ổn giá
Trong chiều ngày 8/8, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành văn bản số 464 yêu cầu các cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp có liên quan thực hiện nghiêm chương trình bình ổn thị trường mặt hàng gạo, đảm bảo đủ nguồn cung cho người tiêu dùng trong mọi tình huống. Cụ thể, với doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo, cần thực hiện nghiêm túc và tuân thủ quy định về thu mua thóc, gạo hàng hoá nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đối với doanh nghiệp bình ổn thị trường (các mặt hàng gạo) cần thực hiện nghiêm túc quy chế lan tỏa hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn, đồng thời chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ, đảm bảo nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường và niêm yết giá, bán đúng giá quy định...
Ngoài ra, đối với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Sở cũng yêu cầu theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng gạo trên địa bàn, báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Công Thương, Sở Tài chính để kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiện khan hiếm hàng hóa trên địa bàn.
Sở Công Thương cũng mong muốn các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cam kết giữ giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, không tăng giá bán nhằm kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Một khi có sự điều chỉnh lớn về quy định giá bán hàng bình ổn thị trường, phải có sự thống nhất của nhiều bên liên quan gồm: doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan nhà nước (dưới sự chủ trì của Sở Tài chính).
Đại diện các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cũng cho biết, trước bối cảnh giá thu mua lúa gạo đang có xu hướng tăng, các doanh nghiệp đã nhanh chóng làm việc với nhà cung cấp để đưa ra giải pháp ổn định giá gạo, góp phần hỗ trợ người tiêu dùng.
Chẳng hạn, tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chương trình bình ổn thị trường, đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ và luôn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch. Giá được thu mua từ nguồn, kết hợp thêm khai thác hiệu quả mạng lưới phân phối hơn 800 điểm bán trên toàn quốc được giữ ổn định, không chịu biến động từ thị trường. Do nguồn dự trữ dồi dào nên cơ bản giá bán gạo tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op hiện ở mức 15.500 đồng/kg với gạo trắng thường, 17.000 đồng/kg với gạo trắng thơm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, gạo là một trong 9 nhóm hàng Saigon Co.op thực hiện bình ổn. Mặc dù ảnh hưởng từ tình hình biến động của thị trường, các nhà cung cấp cũng đã gửi đề nghị điều chỉnh giá, tuy vậy, theo quy định của chương trình bình ổn thị trường, Saigon Co.op chỉ áp dụng giá mới khi đã được Sở Tài chính duyệt.
"Hiện nay, giá gạo bình ổn của Saigon Co.op dự trữ 1.270 tấn trong các tháng thường, trong 3 tháng Tết năm 2024 tăng lên 1.800 tấn. Gạo bình ổn chủ yếu được cung cấp từ các thương hiệu như: Wilmart, Tấn Vương... Bên cạnh đó, gạo Co.op Happy (thuộc nhóm hàng nhãn riêng của Saigon Co.op) tuy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng có giá tốt tương đương”, ông Đức chia sẻ.