Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
TP.HCM tìm giải pháp phát triển 200km đường sắt đô thị
Ngày 15/12, lãnh đạo TP.HCM đã chủ trì buổi họp Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 phiên họp thứ 3 và tổ tư vấn xây dựng đường sắt đô thị phiên đầu tiên.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết theo quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM có 220km và quy hoạch này đã gần 20 năm. Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cho rằng riêng việc triển khai tuyến metro 1 gần 20 km đã mất 15-16 năm. Nếu làm theo cách này, mỗi tuyến đi vay nguồn ODA, mất 5 đến 7 năm chuẩn bị, xây dựng 5 đến 7 năm, thì 50 đến 70 năm, thậm chí 100 năm.
Lãnh đạo TP cho hay, vừa qua Bộ Chính trị có Kết luận 49, trong đó đặt ra mục tiêu mốc thời gian là đến năm 2035 TP.HCM và Hà Nội cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, đây là định hướng chính trị quan trọng và TP.HCM thực hiện Kết luận 49 dựa vào Nghị quyết 98 để xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, sau đó trình Quốc hội để triển khai.
TP.HCM gợi mở một số vấn đề cần được Hội đồng tư vấn và tổ công tác quan tâm thảo luận, góp ý. Về mốc thời gian, từ tháng 7 thành phố đã lập tổ công tác xây dựng đề án theo hướng, 200km đường sắt còn lại phải đặt vào tổng thể để triển khai trong 1 đề án, cùng một cơ chế chính sách và khẩn trương hoàn thiện trong năm nay, để đầu năm 2024 trình Ban thường vụ Thành ủy, HĐHD trước khi báo cáo Bộ Chính trị, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình kỳ họp giữa năm, để có đề án về đường sắt đô thị cùng với Hà Nội.
Về cơ chế, thực hiện Kết luận 49, đến năm 2035 hoàn thành đề án đường sắt đô thị, như vậy chỉ còn 12 năm thực hiện, so với thời gian thực hiện tuyến metro 1 thì phải làm hoàn toàn khác mới thực hiện được.
Do vậy, phải huy động nguồn vốn, xin cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng vượt trần để đầu tư, xin cơ chế về thủ tục đầu tư dự án, phải rút thời gian thực hiện chuẩn bị dự án, để đến năm 2035 hoàn thành dự án giai đoạn 1.
Lãnh đạo TP.HCM lưu ý việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị, phải gắn với hệ thống vận hành, duy tu bảo dưỡng, như vậy phát triển hệ thống đường sắt đô thị phải gắn với ngành công nghiệp đường sắt đô thị, cùng một số vấn đề khác.
Từ thực tiễn thành phố, Ban quản lý đường sắt đô thị cần tìm ra mô hình nào phù hợp để có thể triển khai đường sắt đô thị 200km đến năm 2035.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) khởi công từ năm 2012, dài 19,7km (gồm 17,1km trên cao và 2,6km đi ngầm) từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP.Thủ Đức).
Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM và là một trong 8 tuyến thuộc hệ thống metro của TP.HCM theo quy hoạch chung TP.HCM.
Tháng 11 vừa qua, chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Mai Tùng - Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý dự án 1, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM thông tin công tác vận hành thương mại tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ bắt đầu vào tháng 7/2024.