Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
TP.HCM ưu tiên đầu tư đường trục, vành đai kết nối bến cảng, đẩy mạnh liên kết vùng
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Kế hoạch số 12714/BGTVT-VT về Phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm an toàn giao thông TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logictics tầm cỡ khu vực
Kế hoạch đặt ra mục tiêu tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng vận tải hành khách, hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực tại TP.HCM.
Cùng với đó, từng bước cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên phát triển thị phần các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thuỷ nội địa; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hoá; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; kiểm soát chất lượng phương tiện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch.
"Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... để có những bước phát triển đột phá cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành giao thông vận tải", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe, tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật về giao thông vận tải.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với UBND TP.HCM ưu tiên thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông; đẩy mạnh việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiêu liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh để giảm ô nhiễm môi trường; tăng cường kết nối, tạo thuận lợi qua biên giới; đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện giao thông theo lộ trình.
Triển khai nhiều giải pháp trọng tâm
Cũng trong Kế hoạch số 12714, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan trực thuộc UBND TP.HCM triển khai nhóm các giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, một, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp hơn cho quản lý phát triển thị trường vận tải; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải.
Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư PPP; cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải như: cảng cạn, cảng biển, cảng thủy nội địa, trạm dừng nghỉ...
Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về tạo thuận lợi vận tải qua biên giới phù hợp với các điều ước/thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương về giao thông vận tải mà Việt Nam ký kết, gia nhập.
Hai, phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
"Ưu tiên các hành lang vận tải đến các bến cảng thuộc cảng biển TP.HCM bao gồm các đường trục, đường vành đai kết nối với các bến cảng khu vực Cát Lái, Hiệp Phước và các bến cảng biển, cảng cạn theo quy hoạch; các hành lang kết nối TP.HCM đến các vùng Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; kết nối TP.HCM với các cửa khẩu hàng hóa như cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh, cảng cửa ngõ quốc tế Bà Rịa - Vũng Tàu".
(Kế hoạch số 12714/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải)
Nhờ đó, tăng cường kết nối các phương thức vận tải để xuất nhập khẩu hàng hóa trong TP.HCM đi nội địa và trung chuyển quốc tế; đồng thời, tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao.
Cùng với đó, thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với giao thông đô thị, bảo đảm giai đoạn 2022 - 2030 đạt được các mục tiêu: tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM đạt 25% và từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Giai đoạn 2031 - 2050, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM đạt ít nhất 40%. Theo đó, từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Ba, tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Bốn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hoàn thành xây dựng và đưa vào Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin có thể áp dụng cho tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải một cách kịp thời, chính xác, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động và thực hiện tốt quá trình cải cách hành chính.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác hệ thống trung tâm điều hành vận tải, trạm dừng nghỉ, kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giao thông thông minh, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe, triển khai đồng bộ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô.
Áp dụng công nghệ RFID1 để triển khai đồng bộ hệ thống thu phí tự động không dừng tại tất cả trạm thu phí BOT.
Thực hiện triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (AIS) và trang bị thiết bị VHF trên phương tiện thủy nội địa theo lộ trình...
Năm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành.
Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút doanh nghiệp vận tải.
Hỗ trợ, kiến tạo cho việc hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải của các chuyên ngành để cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics liên hoàn và hình thành những doanh nghiệp lớn về logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh khung giá, giá tối đa dịch vụ cảng biển đối với từng khu vực nhằm đưa ra khung giá sát nhất với thực tiễn hoạt động, bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời có biện pháp phù hợp để tăng cường quản lý các loại phụ thu của hãng tàu, tránh thu tuỳ tiện, bất hợp lý.
Các hiệp hội địa phương tham gia triển khai chính sách ở các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững...
Sáu, công tác thanh tra, kiểm tra với hoạt động vận tải của tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
"Vụ Vận tải đôn đốc việc triển khai thực hiện và là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện kế hoạch này từ các cơ quan, đơn vị gửi Bộ Giao thông vận tải. Trong tổ chức, triển khai thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc thì chủ động giải quyết, hướng dẫn thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo giải quyết kịp thời", Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ.
Theo VnEconomy