Trao kiến thức để bà con nông dân thoát nghèo bền vững

P.V Thứ hai, ngày 27/04/2015 15:30 PM (GMT+7)
Vào lúc 13h30 ngày 27.4.2015, tại  huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Báo Nông Thôn Ngày Nay phối hợp với Ban Xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh Long An, UBND huyện Đức Huệ và Hội Nông dân huyện Đức Huệ đã tổ chức Chương trình “Kết nối nhà khoa học - nông dân”.  
Bình luận 0
Đến tham dự chương trình có lãnh đạo chính quyền tỉnh, huyện, các đoàn thể địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học (gồm GS.TS Nguyễn Lân Hùng – Tổng Thư ký Hội Sinh vật học Việt Nam, PGS.TS  Mai Thành Phụng – Nguyên Trưởng Đại diện Phía Nam Trung tâm Khuyến nông Quốc gia,  TS Nguyễn Văn Bắc – Phó Trưởng Đại diện phía Nam Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia, TS  Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM) và hơn 200 nông dân thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

img

Phát biểu khai mạc chương trình, nhà báo Nguyễn Thu Tuyết - Đại diện Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN) cho biết, Chương trình “Kết nối nhà khoa học – nhà nông” là một hoạt động thiết thực nhằm đưa thông tin cập nhật khoa học kỹ thuật công nghệ về cơ sở. Qua cuộc giao lưu,  các chuyên gia, nhà khoa học sẽ hỗ trợ nông dân địa phương về kinh nghiệm, các kiến thức về giống cây trồng, vật nuôi, quy trình chăm sóc, phòng và chữa bệnh; kinh nghiệm tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy hải sản…

Là hoạt động thường niên của Báo NTNN, Chương trình “Kết nối nhà khoa học – nhà nông” lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh (năm 2012), sau đó là Long An (năm 2013) và tại Cần Giờ, TPHCM (năm 2014) đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của bà con nông dân. Qua đó, nhiều câu hỏi của nông dân đã được các chuyên gia giải đáp vẫn là câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển bền vững, không bị nhiễm dịch bệnh… Với mong muốn giúp người dân các xã biên giới thuộc huyện Đức Huệ thoát nghèo, BTC chương trình kết nối Nhà khoa học – Nhà nông đã mang đến các giải pháp nuôi trồng hiệu quả, chú trọng chất lượng, thương hiệu và gia tăng giá trị hàng hóa, góp phần hạn chế nạn buôn lậu thuốc lá, giúp người dân biên giới thoát nghèo, thúc đẩy việc thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

img

Ông Ngô Thanh Trà - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ.

Đến tham dự chương trình, lãnh đạo UBND huyện Đức Huệ - ông Ngô Thanh Trà phát biểu, toàn huyện có diện tích tự nhiên 43.092 ha,  chia thành 10 đơn vị hành chính (9 xã và 1 thị trấn). Đức Huệ cũng được xem là cửa ngõ gần nhất từ biên giới Campuchia - qua thị trấn Hậu Nghĩa về TP. Hồ Chí Minh, nên có lợi thế phát triển dịch vụ thương mại (xuất nhập khẩu qua biên giới), thu hút vốn đầu tư từ ngoài vào (kinh tế trang trại, dịch vụ, thương mại,...).   Tuy nhiên, vị trí địa lý cũng gây cho Đức Huệ một số hạn chế: Do là nơi chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với mẫu chất là phù sa cổ và phù sa mới cùng các vật liệu sinh phèn xen kẽ phủ lên nhau, nên 100% diện tích đất thuộc loại đất có vấn đề, cộng với khi chưa có hồ Dầu Tiếng thì toàn bộ lãnh thổ huyện Đức Huệ bị nhiễm mặn từ 3 - 4 tháng/năm, kết cấu hạ tầng chậm được đầu tư và cũng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Long An (số hộ nghèo còn đến 29,3%). Đồng thời, với 25 km đường biên giới  huyện Đức Huệ là địa bàn nóng của nạn buôn lậu, lôi kéo không ít nguồn nhân lực tham gia, gây trễ nải sản xuất nông nghiệp cũng như tạo tâm lý kiếm tiền dễ dàng hơn là lao động chân chính.

img

Các nhà khoa học trả lời nông dân.

Về phía Hội Nông dân tỉnh Long An, ông Phạm Minh Hùng – Chủ tịch Hội cho biết: “Đức Huệ là huyện đặc biệt khó khăn, nông dân còn rất nhiều thiệt thòi do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giao thông thủy lợi còn nhiều khó khăn. Những năm qua, địa phương cũng như Hội cũng có tổ chức các chương trình kết nối nhà khoa học – nhà nông nhằm giúp nông dân cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ làm với quy mô nhỏ, chưa có nhiều nhà khoa học nổi tiếng về huyện Đức Huệ trực tiếp trao đổi cùng nông dân như lần này. Tôi cho rằng, chương trình do Báo NTNN tổ chức thực sự ý nghĩa, nhất là với vùng đất còn nhiều khó khăn như huyện Đức Huệ”.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện đơn vị tài trợ là Văn phòng đại diện Tập đoàn BAT (British American Tobaco) tại Việt Nam cho biết: “Trong những năm qua, BAT luôn quan tâm thực hiện và đóng góp tích cực cho các hoạt động  cộng đồng tại Việt Nam. Một trong các trọng tâm chiến lược trong hoạt động cộng đồng của chúng tôi  là đẩy mạnh các họat động liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ nông nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo vàgiúp phát triển bền vững . Chúng tôi rất vui vì được góp sức vào sự thành công của dự án “Kết nối nhà khoa học – nhà nông trong suốt 3 năm qua,để hỗ trợ và giúp đỡ nông dân địa phương, đồng thời góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn”.

img

Bà Đặng Ngọc Thu Hà - Đại diện Cty BAT phát biểu tại hội thảo.

Với hình thức hỏi đáp trực tiếp, các chuyên gia đã nhận được gần 50 câu hỏi, qua đó đã giải đáp hơn gần 30 câu hỏi tại chỗ của bà con nông dân (các câu hỏi còn lại cũng sẽ được các nhà khoa học giải đáp trên chuyên mục tư vấn nhà nông của báo NTNN).

img
Một nông dân đặt câu hỏi.

img

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trả lời các câu hỏi của nông dân.

Cũng tại buổi giao lưu, các nhà khoa học đã tư vấn, trao đổi, hỗ trợ nông dân các kinh nghiệm, kiến thức về giống cây trồng, giống vật nuôi, quy trình chăm sóc, phòng và chữa bệnh cây trồng, vật nuôi cũng như kinh nghiệm tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản cũng như một số kỹ năng về xử lý ô nhiễm môi trường...

Tại buổi giao lưu, ngoài nhiều câu hỏi được nông dân ghi ra giấy, nông dân còn trực tiếp đặt câu hỏi, có sự trao đi đổi lại giữa các nhà khoa học lẫn nông dân.

Các vấn đề được nông dân quan tâm chủ yếu xoay quanh cách phòng trừ một số dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, xu hướng chuyển đổi cây trồng vật nuôi hiện nay cũng như xu hướng tiêu dùng. Hàng loạt các câu hỏi đã được trả lời cặn kẽ, nhiều nông dân còn đem theo cả giấy bút ghi chép cẩn thận.

img
Nông dân Võ Quan Huy chia sẻ kinh nghiệm cùng nông dân.

Đặc biệt, trong phần giao lưu, các nhà khoa học đã mời nông dân Võ Quan Huy – người có trang trại chăn nuôi trồng trọt tại xã Mỹ Bình để cùng chia sẻ kinh nghiệm với nông dân. Chính những kiến thức của các nhà khoa học cùng những trải nghiệm thực tế của nông dân chuyên trị đất phèn như ông Huy đã làm buổi giao lưu thêm sôi nổi. Ví dụ như cách khử phèn bằng phân bò – thứ mà lâu nay nông dân Đức Huệ chỉ bán giá bèo ra thị trường miền Đông và Tây Nguyên; hay cách trị rệp trên cây đu đủ bằng nước rửa chén và rất nhiều mẹo trị bệnh cho cây trồng vật nuôi thú vụ khác.

img

Tặng hoa cho đại diện Tập đoàn BAT và các nhà khoa học.

…Hơn 2 tiếng đồng hồ đã nhanh chóng trôi qua, mặc dù còn rất nhiều câu hỏi của bà con chưa được giải đáp vì thời lượng của chương trình đã hết, thế nhưng các nhà khoa học đã tiếp nhận tất cả và hứa là sẽ trả lời bà con thông qua e-mail, số điện thoại di động cùng các bản tin tư vấn trên Báo Nông Thôn Ngày Nay và báo điện tử Dân Việt trong thời gian tới…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem