Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Triển khai đề án để quản lý đất đai hiệu quả tại TP.HCM
Theo đó, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn" giai đoạn 2023-2025 của TP.HCM nhằm đồng bộ hệ thống quản lý đất đai. Từ đó, tập trung giải quyết những vấn đề bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị bền vững của TP.HCM.
Được biết, UBND TP.HCM đánh giá các ưu điểm của Đề án là đã giúp nhận diện được những bất cập về pháp luật đất đai trong công tác quản lý nhà nước để từ đó đề xuất với các cơ quan, ban, ngành giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đặc biệt là lĩnh vực đất công.
Hiện các công cụ nhằm phục vụ cho công tác quản lý đất đai cơ bản hoàn thành và sẽ đưa vào ứng dụng hỗ trợ cho công tác quản lý đất đai được chặt chẽ. Đồng thời, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, có thể đưa ra các phương án sử dụng đất đai được hiệu quả hơn.
Các công tác liên quan đến thủ tục hành chính, giao dịch của người dân như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giao dịch bảo đảm, chuyển nhượng, thừa kế… từng bước được thực hiện thông qua phần mềm có thể lưu vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Có thể truy xuất để quản lý, thực hiện chuyển thông tin địa chính đến cơ quan thuế. Ngoài ra, còn có thể quản lý về quy trình, thời gian, tiến độ thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, trong quá trình thực hiện Đề án, nhìn chung các sở, ngành và UBND Quận, Huyện, UBND TP.Thủ Đức phối hợp tương đối tốt. Tiến độ thời gian có lĩnh vực còn chậm do đó kết quả thực hiện Đề án chưa hoàn thành đồng bộ.
Đề án là cơ sở định hướng lớn cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan tập trung nghiên cứu 6 nhóm vấn đề chính, về quy định pháp luật, thực tiễn cuộc sống để nhận diện những bất cập; xác định vấn đề tập trung giải quyết; đề xuất những giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều nội dung công việc triển khai theo kế hoạch chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thực hiện Đề án quản lý đất đai hiệu quả trong thời gian qua còn chậm.
Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: các thủ tục chuẩn bị để dự án được triển khai còn chậm (do dịch bệnh, công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ,...). Hiện, thành phố cần được tạo điều kiện, cho phép đăng ký tăng thêm đối với chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp để phục vụ nhu cầu phát triển đô thị.
Được biết, Đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM" giai đoạn 2021-2022 tập trung nghiên cứu 6 nhóm vấn đề: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thành phố; Đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; Tài chính đất đai; Quản lý tài sản công là nhà, đất do nhà nước quản lý; Hành chính về đất đai; Cơ chế hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất.