Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Tròn mắt với tăng trưởng 25% cho doanh thu thương mại điện tử Việt Nam
Theo báo cáo tổng kết năm của nền tảng số liệu thị trường Metric, doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) năm 2023 -- từ ngày 1/1 đến 31/12/2023 -- đạt 498.868 tỉ đồng, vượt xa so với năm 2022 (hơn 399.000 tỉ đồng).
Số liệu của Metric cho thấy doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đạt 232.134 tỉ đồng, tăng 52,3% so với năm 2022.
Metric nhận xét trong báo cáo trên: “So với tăng trưởng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C thì mức tăng trưởng của 5 sàn bán lẻ trực tuyến đang cao hơn và nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ năm 2022 đến năm 2023. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, theo cùng với xu hướng thế giới”.
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 25% năm 2023 nằm trong top đầu của thế giới.
Còn nhiều thách thức
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố đầu tháng 11/2023, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này từ nay đến năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Tổng giá trị hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025.
Đặc biệt, tăng trưởng tổng giá trị hàng hoá trong hai năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.
Tuy nhiên, thương mại điện tử vẫn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.
Dù tốc độ tăng trưởng rất cao, nhưng thương mại điện tử Việt Nam thực chất có sự phát triển không bền vững. Trước hết là do vấn đề về cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiktok Shop hiện nay đang diễn ra hết sức gay gắt. Người người, nhà nhà cùng online, có rất nhiều nhà cung cấp cùng hoạt động trên một nền tảng để bán hàng hóa giống nhau nên cạnh tranh trên các sàn là rất lớn.
Năm 2023 đánh dấu sự bùng nổ của việc livestream bán hàng. Theo nhận định của Metric, livestream là cuộc chơi của cảm xúc giải quyết được tất cả những băn khoăn của khách hàng khi mua sắm trực tuyến, được ngắm nhìn sản phẩm và được tư vấn trực tiếp nhanh chóng bởi người bán, mã giảm giá tung liên tục theo từng thời điểm khiến người mua càng có quyết định “chốt đơn” nhanh hơn.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2023, có tới hơn 105.000nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên, lại xuất hiện thêm hơn 95 nghìn nhà bán mới trên sàn TikTok Shop khiến thị trường trên các sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 cân bằng lại và giữ được nhịp độ sôi động..
Bước sang 2024, khi thị phần trên các sàn thương mại điện tử dần được hình thành bởi các thương hiệu lớn thì các doanh nghiệp cần tiếp cận nền tảng này một cách bài bản và có chiến lược hơn, theo Metric.