Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Trung tâm TP.HCM sẽ có tuyến đường giống kiểu Nhật Bản
Tổng kinh phí thực hiện dự án này là 29,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chi 24 tỷ đồng, còn lại từ xã hội hóa.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND thành phố về việc triển khai dự án thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian trên đường Thái Văn Lung.
Trong đó, dự kiến phần mặt đường hiện hữu sẽ thu hẹp lại còn khoảng 5m và nới rộng vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng bình quân 5m. Cả vỉa hè và mặt đường đều được lát đá granite. Cao độ mặt đường và vỉa hè đồng bộ với nhau tương tự như phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Tuyến đường sẽ được bố trí vị trí dừng đón trả khách, lắp đặt các loại biển báo, bảng thông tin điện tử, trồng mới và cải tạo cây xanh, thay thế hệ thống chiếu sáng hiện hữu.
Bên cạnh đó, sẽ có các điểm kinh doanh buôn bán, công trình phụ trợ, tiện ích mang tính biểu tượng, cổng chào, bảng thông tin, ghế ngồi, thùng rác,... với mục đích tạo không gian cho người đi bộ, không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân và du khách.
Về tổ chức giao thông, Sở Giao thông Vận tải dự kiến giữ nguyên phương án tổ chức giao thông trên đường Thái Văn Lung như hiện nay. Riêng thứ 7 và chủ nhật, tuyến sẽ chuyển thành phố đi bộ trong thời gian 19h-23h, tương tự như đường Nguyễn Huệ.
Phối cảnh không gian đường Thái Văn Lung. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM
Trong tổng kinh phí thực hiện dự án, hạng mục cải tạo mặt đường sẽ tốn 14,7 tỷ đồng; 9,3 tỷ đồng cho cải tạo vỉa hè và công trình phụ trợ; các hạng mục, như chiếu sáng, cây xanh, thùng rác,... là 5,6 tỷ đồng. Dự kiến, công trình hoàn thành, đưa vào khai thác trước ngày 30/4 năm sau.
Đường Thái Văn Lung đoạn từ Lý Tự Trọng đến Nguyễn Siêu dài 400m được cải tạo với mục tiêu mang dấu ấn văn hóa giao thông, văn minh đô thị, kiểu mẫu ở thành phố. Công trình được thực hiện bởi sự phối hợp giữa chuyên gia quy hoạch Nhật Bản, Việt Nam và các bên liên quan của TP.HCM.
Như vậy, đường Thái Văn Lung sẽ trở thành tuyến đường đô thị kiểu mẫu, sáng tạo, có tính kết nối, lan tỏa như các con đường đô thị tại Nhật Bản nhưng vẫn không tách rời bức tranh chung của giao thông TP.HCM.