Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Từ những mỏ dầu ngoài khơi đến kết nối siêu tàu quốc tế
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn với tổng vốn đầu tư 5,1 tỷ USD từ tập đoàn SCG Thái Lan, kho LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) đầu tiên của Việt Nam khai trương cuối tháng 10/2023 tại Thị Vải cùng các mỏ dầu và khí đang được khai thác ngoài khơi Vũng Tàu… Đó là những thế mạnh của tỉnh, chưa kể cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải có thể tiếp nhận tàu container trọng tải đến 200.000 tấn – là hệ thống cảng biển duy nhất tại miền Nam có tuyến tàu trực tiếp kết nối với châu Âu và Mỹ.
Dầu khí – ngành công nghiệp nổi bật
"Mùa xuân từ những giàn khoan, giữa biển khơi ngàn trùng sóng vỗ". Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã đưa vào bài hát của ông nhiều hy vọng sau khi Việt Nam tìm được dầu khí ở thềm lục địa Vũng Tàu. Đầu tiên là mỏ Bạch Hổ được phát hiện năm 1987 – khu mỏ đã định danh cái tên Việt Nam trên bản đồ dầu khí thế giới. Sau đó, mỏ Sư Tử Đen được phát hiện năm 2000 và công bố khai thác thương mại tháng 8/2001. Mỏ Sư Tử Đen - Đông Bắc, một phần của mỏ Sư Tử Đen tiếp tục được công ty Cửu Long JOC đưa vào khai thác tháng 4/2010.
Mỏ Sư Tử Vàng được phát hiện tháng 10/2001 và đưa vào khai thác tháng 10/2008. Các mỏ Sư Tử Vàng Đông Bắc và Sư Tử Vàng Tây Nam lần lượt đón dòng dầu đầu tiên vào tháng 11/2013 vào tháng 9/2014. Mỏ Sư Tử Nâu được phát hiện vào tháng 9/2005 và cho dòng dầu đầu tiên vào tháng 9/2014.
Về khí, mỏ khí Sư Tử Trắng được phát hiện vào ngày 19/11/2003. Tháng 11/2016, mỏ Sư Tử Trắng bắt đầu đi vào khai thác giai đoạn 1. Tháng 6/2021, Sư Tử Trắng bắt đầu giai đoạn 2A, đón nhận dòng khí đầu tiên.
Cụm các mỏ Sư Tử thuộc Lô 15-1 trong bồn trũng Cửu Long ngoài khơi Vũng Tàu là vùng mỏ cho sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 2 Việt Nam chỉ sau mỏ Bạch Hổ. Công ty khai thác Lô 15-1 chính là Cửu Long JOC, liên danh giữa Petrovietnam, Công ty Giám sát Hợp đồng Chia sản phẩm PVEP của Petrovietnam, tập đoàn Perenco (Vương quốc Anh), Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc KNOC, công ty SK Earthon (Hàn Quốc) và Công ty Geopetrol Việt Nam.
Cũng nhờ có thế mạnh dầu khí, Vũng Tàu được SCG Thái Lan chọn để thực hiện dự án hóa dầu Long Sơn (viết tắt là LSP), là tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi và Nghi Sơn ở Thanh Hóa, LSP đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành hóa dầu và dầu khí tại Việt Nam.
LSP gồm các nhà máy polyolefin, cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm. Đặc biệt, dự án có nhà máy olefins có thể sản xuất nguyên liệu trung gian dùng để sản xuất ra hạt nhựa phục vụ nền công nghiệp sản xuất nhựa. Quy mô diện tích của tổ hợp cũng tương ứng với vốn đầu tư khủng của LSP: diện tích trên đất là 464 ha và diện tích mặt nước là 194 ha cho hệ thống cảng biển.
Theo dự kiến, LSP khi đi vào hoạt động đầu năm 2024 sẽ đem lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh mỗi năm khoảng 150 triệu USD thuế giá trị gia tăng.
Logistics sẽ là ngành dịch vụ chủ lực
Theo quy hoạch Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Trong đó, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải giữ vai trò then chốt, cửa ngõ trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước.
Theo quy hoạch này, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện nhanh hạ tầng, thu hút đầu tư vào 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 7.242 ha; triển khai đầu tư hạ tầng 4 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch với tổng diện tích 1.810 ha và bổ sung 7 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới với tổng diện tích là 6.850 ha. Đến năm 2030, tỉnh có 24 khu công nghiệp và khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ, với tổng diện tích đất quy hoạch là hơn 16.052 ha; trong đó, đất khu công nghiệp quy hoạch hơn 13.847 ha.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh đã đánh giá toàn diện, quy hoạch xong và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để tạo nền tảng vững chắc cho dịch vụ logistics phát triển. Đây là ngành dịch vụ được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thực tế, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tập trung phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải và kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (dự kiến khai trương năm 2025).
Các dự án trên bao gồm Trung tâm logistics Cái Mép Hạ quy mô 1.700 ha tại thị xã Phú Mỹ, Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Sông Xoài, Khu logistics Phú Mỹ số 1 tại giao lộ đường 991 và đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, Khu logistics Phú Mỹ số 2 tại giao lộ Cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.HCM, Trung tâm logistics Bình Ba, hệ thống cảng cạn và một số trung tâm logistics quy mô vừa và nhỏ khác tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức.
Cuối tháng 10/2023, Kho LNG đầu tiên của Việt Nam do Tổng công ty Khí (PV Gas) đầu tư trị giá 6.500 tỷ đồng tại Thị Vải chính thức đi vào hoạt động. Cũng cùng thời gian, cảng cạn Phú Mỹ (rộng 38 ha), là cảng cạn đầu tiên của tỉnh và được xem là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay cũng chính thức vận hành tại khu vực Cái Mép-Thị Vải. Nhà đầu tư không ai khác ngoài Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư của Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, vốn chỉ nằm cách cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải khoảng 2km.
Đây cũng là dự án nhắm đến phát triển dịch vụ logistics trong tỉnh. Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, cho biết cảng cạn Phú Mỹ đã trở thành "cánh tay nối dài" cho cụm Cái Mép - Thị Vải.
Kết quả thấy ngay tại lễ công bố hoạt động: MSC (Mediterranean Shipping Company), là hãng tàu container lớn nhất thế giới, đã ký hợp tác với Công ty Thanh Bình Phú Mỹ để khai thác cảng cạn này. Đồng thời, Thanh Bình Phú Mỹ lập liên doanh với Medlog, nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp trọn gói tại 70 quốc gia trên thế giới; hợp tác với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn trong việc trung chuyển hàng hóa giữa KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 với các cảng biển, cảng khô và depot trong khu vực; và ký hợp đồng nguyên tắc với 12 đối tác khác.
Với định hướng phát triển rõ ràng dựa trên thế mạnh riêng của mình, Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt tay vào triển khai đồng loạt nhiều dự án công nghiệp và dịch vụ quan trọng như vậy để hướng về tầm nhìn đến 2050.
Ông Benoit de Quillacq, Tổng Giám đốc MSC Việt Nam, cho biết một trong những chính sách của hãng tàu MSC hàng đầu thế giới là đáp ứng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ logistics ở địa phương. Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải là khu vực tăng trưởng rất mạnh, vì vậy MSC đã quyết định mang các trang thiết bị và container đến đây để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hãng tàu MSC đang làm việc với rất nhiều đối tác trong khu vực, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ logistics, cảng biển, dịch vụ xà lan, ICD để kết nối, phục vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của lĩnh vực này, theo ông Quillacq.