Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Ưu tiên giữ nguồn tiền, Bamboo Capital ngừng M&A
Kết quả quý IV không có đột biến
Tại Hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý III chiều 17/11, đại diện Tập đoàn Bamboo Capital (mã: BCG) cho biết doanh thu 9 tháng đạt 2.833 tỷ đồng, giảm 14,4%; lãi sau thuế 185 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital (mã: BCG) chia sẻ bối cảnh kinh doanh quý III đã tốt hơn so với 2 quý đầu năm, tuy nhiên vẫn hết sức khó khăn. Hoạt động kinh doanh quý IV dự kiến không có đột biến. Do vậy, cả năm, doanh thu và lợi nhuận ước không hoàn thành kế hoạch và giảm so với 2022.
Song, ông Tuấn đánh giá trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn và có nhiều biến động như năm 2023 thì việc tập đoàn duy trì các mảng hoạt động đã là thành quả của ban lãnh đạo.
Phó Chủ tịch BCG cũng cho rằng nhằm chuẩn bị cho tình huống suy thoái kinh tế còn kéo dài, công ty ngưng các hoạt động M&A và duy trì nguồn tiền dự trữ để tồn tại. Đồng thời, Bamboo Capital tích cực cải thiện cơ cấu tài chính như chủ động trả các khoản nợ trước hạn khi thu xếp được nguồn, tái cơ cấu khoản nợ trong nước sang nước ngoài với lãi suất thấp hơn.
Ông Tuấn bày tỏ, tập đoàn định hướng giảm huy động công cụ nợ và ưu tiên huy động nguồn vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp có kế hoạch tất toán một số trái phiếu trong quý IV, đang triển khai phát hành mới tỷ lệ 2:1 và đưa công ty con BCG Land lên UPCoM, chờ cơ quan chức năng phê duyệt. Mặt khác, lãnh đạo BCG chia sẻ kênh trái phiếu sẽ tìm cách gia hạn và tất toán trước hạn, kênh huy động vốn hữu hiệu hiện nay là tìm kiếm đối tác cùng hợp tác thực hiện dự án.
Năm nay và năm sau không chia cổ tức tiền mặt
Bamboo Capital có hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt tính đến cuối quý III, nhà đầu tư đề xuất chia cổ tức tiền mặt. Ông Tuấn chia sẻ, các năm qua tập đoàn luôn thâm dụng vốn do liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng đầu tư. Vài năm trở lại đây, ban lãnh đạo nhận thấy các hoạt động chính có nguồn thu ổn định nên đề xuất chia cổ tức đều đặn bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Song từ năm ngoái, doanh nghiệp đã dừng chia cổ tức do ban lãnh đạo nhìn nhận nền kinh tế còn khó khăn, khủng hoảng kéo dài nên cần duy trì nguồn tiền dự trữ để đảm bảo hoạt động bình thường. Trong năm nay và năm 2024, phương án chia cổ tức tiền mặt sẽ chưa được đặt ra, dành nguồn tiền để duy trì hoạt động, vượt qua khủng hoảng.
Mảng năng lượng tái tạo nhiều dư địa phát triển
Bamboo Capital có các mảng kinh doanh chính gồm năng lượng tái tạo, xây dựng – hạ tầng, bất động sản và dịch vụ tài chính – bảo hiểm.
Ở mảng năng lượng tái tạo, ông Tuấn chia sẻ quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt từ tháng 5, kế hoạch thực thi mặc dù chưa được phê duyệt nhưng cũng có các bước để triển khai. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra phương án tính toán giá cho các dự án trong tương lai.
Lãnh đạo BCG kỳ vọng cuối quý IV hoặc quý I/2024 chính sách giá và kế hoạch thực thi quy hoạch điện VIII được ban hành. Điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển trở lại của mảng năng lượng tái tạo, các dự án được xây dựng trở lại.
Theo đó, Bamboo Capital sẽ tập trung nâng cao sản lượng vận hành của dự án năng lượng tái tạo đang hoạt động, đặc biệt là dự án ở Phú Mỹ (tích cực thương thảo hợp đồng mua bán điện - PPA dài hạn cho giai đoạn 2). Các dự án điện mặt trời áp mái đang xây dựng cũng được thúc đẩy. Song, tốc độ phát triển của điện mặt trời áp mái còn chậm do tính không chắc chắn trong chính sách.
Ở mảng xây dựng, công ty con Tracodi (mã: TCD) cố gắng dành các hợp đồng nhưng doanh thu không bằng 2022 do sự suy giảm chung của ngành. Mảng bất động sản tiếp tục hoàn thiện pháp lý các dự án đang phát triển và hoàn thiện các dự án đang xây dựng. Công ty vẫn đang chờ thị trường ấm lên nhờ các giải pháp tháo gỡ của Chính phủ và cơ quan ban ngành.
Mảng tài chính, sau 2 năm mua lại Bảo hiểm AAA, tập đoàn tiến hành tái cấu trúc và ghi nhận kết quả tích cực. Bảo hiểm AAA đã hoàn thiện bộ máy và mạng lưới chi nhánh cũng như nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng. Trong năm 2023, doanh thu gấp 3 lần so với thời điểm mua lại đạt 600 tỷ đồng, chưa có lời và kỳ vọng 2024 có lời.
Vì sao lãnh đạo bán cổ phiếu?
Trong các tháng gần đây, lãnh đạo BCG và người thân liên tục bán cổ phiếu. Như ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch HĐQT bán 5 triệu cổ phiếu BCG; ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT bán 7 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Xuân Lan – vợ ông Tùng bán 2 triệu cổ phiếu…
Ông Tuấn chia sẻ trong khoảng một năm qua, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của cổ phiếu BCG dao động khoảng 10 – 13 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu lãnh đạo BCG đăng ký bán hoặc chuyển nhượng cho người thân từ 5-7 triệu cổ phiếu, do vậy số lượng này không làm ảnh hưởng đến thị giá của cổ phiếu. Mặt khác, phần lớn trong số này được bán theo phương thức thỏa thuận cho nhà đầu tư khác muốn gia tăng mức đầu tư vào BCG.
“Ngoài ra, việc bán cổ phiếu có khi vì cần thu xếp tài chính cá nhân, có khi để thay đổi danh mục đầu tư. Ví dụ như cá nhân tôi, toàn bộ số tiền từ việc bán 7 triệu cổ phiếu BCG được chuyển thành khoản đầu tư sang BCG Energy – công ty con của BCG ở mảng năng lượng. Đây đơn thuần là việc tái cơ cấu danh mục đầu tư và vẫn trong phạm vi các công ty của tập đoàn”, ông Tuấn cho biết.
Thị trường nhà đất bước vào giai đoạn phân phối tài sản qua M&A
24/09/2023 10:45
Theo tạp chí Nhà đầu tư