Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Được ví như mỏ vàng, vì sao du lịch đường sông TP.HCM vẫn chưa phất lên nổi?
Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng - Tổng thư ký CLB Du thuyền Thủ Đức, cho biết nhiều khách ngoại hiện nay, kể cả nhóm khách trung lưu tại TP.HCM muốn chơi du thuyền, đầu tư vào du thuyền. Đây là nhóm khách có thực lực tài chính nhưng cái khó là không có bến đậu du thuyền. Số lượng bến đạt tiêu chuẩn cập du thuyền chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Chúng ta đang hoàn toàn thiếu các điều kiện để thu hút và khai thác tiềm năng từ du thuyền. Theo tôi, cần triển khai điểm bến, đa dạng điểm đậu, cũng như các dịch vụ bảo dưỡng, đăng kiểm…”, ông Thắng nói và cho biết các thành viên trong CLB Du thuyền Thủ Đức đang rất muốn được tham gia đầu tư vào bến đậu du thuyền, sản xuất cũng như bảo dưỡng du thuyền.
TP.HCM xác định du lịch đường thủy, khai thác lợi thế từ sông Sài Gòn sẽ là nhóm sản phẩm trọng tâm, tạo sự khác biệt cho du lịch thành phố trong thời gian tới.
Theo các doanh nghiệp vận tải, du lịch đường thủy, bến đậu là trăn trở, băn khoăn lớn nhất hiện nay. Chỉ khi tháo gỡ được vấn đề này, có thêm nhiều bến bãi thì mới có được nhiều sản phẩm du lịch đường thủy đa dạng, hấp dẫn.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 tổ chức ngày 4/12, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, dành gần hết thời gian phát biểu chỉ để nói về “phần cứng” - bến bãi, của ngành du lịch đường thủy. Theo ông, phần cứng này đang thiếu trầm trọng.
“Chúng tôi đang tâm huyết hàng ngày với sông nước. Chúng tôi xây dựng chương trình sông nước bài bản, kỳ vọng tạo cú hích hạ tầng cơ sở. Muốn khai thác tài nguyên sông nước phải có cửa mở ra sông, cảng bến bởi tàu thuyền không thể như taxi, dừng ngay trước nhà đón khách. Muốn phát triển du lịch đường thủy, buộc cảng bến phải đa vị trí, đa lộ trình”, ông Toản nhấn mạnh.
Theo ông Toản, hạ tầng là phần cứng buộc phải có, đây là chìa khóa với du lịch đường thủy. Nếu không chú trọng, đầu tư bến bãi thì 5 - 10 năm sau nữa liệu có còn đất để thực hiện. Phần cứng này sẽ quyết định “phần mềm” là các sản phẩm du lịch đường thủy đi theo.
“Bến bãi phải đa vị trí thì mới có thể đa lộ trình. Bến bãi này vừa phục vụ giao thông vừa phục vụ cho du lịch”, ông Toản tâm huyết nói.
Theo ông, với sự ủng hộ hiện nay của chính quyền thành phố về phát triển du lịch sông nước, khu vực nào đã quy hoạch bến bãi cần thiết sớm thực hiện và ủng hộ doanh nghiệp triển khai.
Thiếu bến bãi khiến du lịch đường sông TP.HCM khó phát triển xứng tầm dù nhiều tiềm năng. Ảnh: Les Rives
Là doanh nghiệp chuyên phục vụ khách quốc tế đi tour đường thủy, bà Liêu Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Les Rives, gợi ý việc mở bến bãi, cầu phao hiện nay nên quy hoạch cho phù hợp, dễ dàng kết nối với các khu du lịch, chùa chiền, điểm đến. Khách của Les Rives hiện nay 99% là khách quốc tế, nhóm khách này rất tiềm năng.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, TP.HCM đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, bến, bãi neo đậu tàu và sắp xếp, quy hoạch các bến tàu trong sự phát triển quy hoạch chung của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngành du lịch TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố. TP.HCM đặt mục tiêu tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.
Mở mới nhiều tour trên sông Sài Gòn, khởi hành hàng ngày
05/12/2023 08:05Đảo Ngọc Phú Quốc lọt vào top 50 điểm du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
21/11/2023 16:45