Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Vì sao ngành xe điện toàn cầu phải biết "sợ" Trung Quốc?
Shufu thành lập Geely vào cuối thập niên 1990 và đặt trụ sở tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Năm 2010, Geely mua lại thương hiệu xe đình đám Volvo Cars của Thụy Điển từ Ford của Mỹ để bắt đầu giấc mơ chiếm lĩnh thế giới; Volvo Cars cũng là tài sản giá trị nhất của Li Shufu.
Việc Geely gần đây tiếp quản toàn bộ thương hiệu xe điện Polestar là thương vụ sáp nhập doanh nghiệp mới nhất báo hiệu sự chuyển đổi có thể xảy ra trong ngành xe điện (EV) thế giới.
Báo The Globe and Mail của Canada vừa đăng bài phân tích cho rằng những rắc rối hiện nay của Polestar thuộc công ty xe Volvo đang báo hiệu về một thời điểm chuyển đổi đối với ngành xe điện. Báo này nhấn mạnh: Vụ tiếp quản trên có tầm quan trọng tính từ sau đột biến tài chính lịch sử mà Tesla của tỷ phú Elon Musk có được vào đầu những năm 2020.
Tesla đã tận dụng nguồn vốn giá rẻ, những đột phá về công nghệ và uy tín của chính nhà sáng lập là Musk để đạt tới mức giá trị 1.000 tỷ USD. Nhưng hiện tượng “chi mạnh tay” nhằm tạo ra tiếng vang và lợi nhuận lớn chỉ diễn ra trong vài năm. Giờ đây, các nhà sản xuất ô tô truyền thống, công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư, mặc dù đã đặt cược hơn 1.200 tỷ USD vào xe điện, nhưng đang phải đối mặt với những quyết định ngày càng khó khăn hơn để cắt lỗ.
Polestar là một ví dụ điển hình. Những khó khăn mà hãng này và những công ty khác nhỏ hơn phải đối mặt đã cho thấy các khoản chi phí khổng lồ trong việc phát triển xe điện, vốn chỉ có lợi cho các công ty sở hữu nguồn vốn dồi dào và có khả năng chịu đựng được tình trạng "chảy máu tài chính" kéo dài. Sự suy giảm về nhu cầu xe điện trên toàn cầu giờ đây có thể loại bỏ những đối thủ yếu hơn hoặc tạo ra một làn sóng hợp nhất.
Quyết định ngừng đầu tư vào Polestar của Volvo được đưa ra sau khi thương hiệu xe điện hạng sang này thua lỗ và không đạt được mục tiêu bán hàng trong năm 2023, vốn đã được nhiều lần điều chỉnh giảm xuống.
Polestar cần thêm 1,3 tỷ USD tài trợ trước khi đạt được điểm hòa vốn vào năm 2025. Cổ phiếu của công ty đã giảm 87% kể từ khi ra mắt hồi tháng 6/2022, làm hạn chế khả năng huy động nguồn vốn mới.
Trong khi đó, Geely bán được gần 2,8 triệu xe trong năm 2023, gấp gần 4 lần số xe của Volvo. Chủ tịch của Geely đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu từ Trung Quốc, đồng thời đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô của các thương hiệu, bao gồm các nhãn hiệu của phương Tây như Volvo, Smart and Lotus. Và với việc kiểm soát hoàn toàn Polestar, Geely có thể hợp lý hóa hoạt động đầu tư và chia sẻ công nghệ.
Các công ty khởi nghiệp xe điện khác như Rivian, Fisker, Arrival, Xpeng và Lucid đều đang phải vật lộn với chi phí mở rộng quy mô. Đầu tháng trước Fisker đã phải đàm phán lại về các điều khoản của một thỏa thuận nợ nhằm cho phép công ty này có được một đối tác chiến lược.
Chính Tesla cũng đang phải vật lộn với tình trạng được tỷ phú Musk mô tả là “địa ngục trong sản xuất”. Sự nhiệt tình của thị trường vốn toàn cầu đối với xe điện đã nguội dần do tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại và tổn thất tài chính chồng chất.
Cảnh báo của chính Musk mới đây về tốc độ tăng trưởng của Tesla sẽ chậm lại trong năm 2024 khiến các nhà đầu tư rút lại 80 tỷ USD giá trị thị trường của công ty này chỉ trong một ngày. Tesla đã mất hơn 40% giá trị kể từ khi đạt mốc 1 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường vào năm 2021.
Cuộc chiến về giá cả giữa Tesla và công ty dẫn đầu doanh số bán xe điện của Trung Quốc là BYD bắt đầu vào năm 2023. Vì thế, các đối thủ yếu hơn trong ngành xe điện phải lựa chọn giữa thua lỗ nặng hơn hoặc doanh số bán hàng thấp hơn.
Hè năm ngoái, Ford đẩy mạnh sản xuất dòng xe điện F-150 Lightning do với dự báo nhu cầu mạnh mẽ. Tuy nhiên, "đại gia" của Mỹ phải cắt giảm một nửa dự báo sản lượng vào đầu năm nay. Tại châu Âu, hãng Stellantis đã phải yêu cầu trợ cấp thêm từ Chính phủ Ý để tăng cường sản xuất xe điện tại các nhà máy của Fiat.
Sức mạnh của Tesla từ... Thượng Hải
Với Tesla của Elon Musk, quốc gia đông dân thứ hai thế giới là thị trường then chốt. Thượng Hải (Trung Quốc) là nơi ông chọn để đặt nhà máy đầu tiên của Tesla bên ngoài nước Mỹ, và gã khổng lồ sắp xây nhà máy thứ hai ở Thượng Hải.
Chính Musk tham dự lễ ký hợp đồng xây dựng nhà máy thứ hai của Tesla với chính quyền Thượng Hải ngày 9/4/2023. Tesla dự trù sẽ khởi công nhà máy khổng lồ này trong quý đầu của 2024, muộn hơn dự kiến ban đầu khoảng nửa năm.
Siêu nhà máy sản xuất pin dự kiến sẽ sản xuất vào quý IV/2024. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy này sẽ sản xuất 10.000 pin Megapack/năm, tương đương với khả năng lưu trữ năng lượng lên tới 40GWh và các sản phẩm của nhà máy sẽ được bán trên toàn thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg, Musk muốn kết hợp dòng pin này với các nguồn năng lượng tái tạo để giảm đáng kể lượng khí cacbon sinh ra trong sản xuất điện, góp phần phát triển kinh tế xanh.
Tesla dự đoán: Thế giới cần lượng pin đủ để dự trữ 46.200 GWh trong 20 năm tới. Dự đoán này lớn hơn rất nhiều so với con số 19,3 GWh dự trữ năng lượng pin đã được lắp đặt vào cuối năm 2020 theo số liệu của Tổ chức Năng lượng thế giới (IEA).
Quá trình xây dựng siêu nhà máy mới của Tesla diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, nhưng Tesla vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất ở Trung Quốc. Năm 2019, chính Thượng Hải nhiệt tình giúp Tesla xây nhà máy đầu tiên, và nơi này đang sản xuất 711.000 xe Tesla mỗi năm, tương đương 52% tổng sản phẩm của Tesla.