Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Việt Nam chờ cú hích mạnh từ ngành du lịch
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 này đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Tính chung quý 1/2024, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra đại dịch.
Khách du lịch nước ngoài tại TP.HCM. Ảnh: Tường Thụy
Trung Quốc là thị trường khách quốc tế quan trọng của các nước Đông Nam Á vì khu vực này đón tiếp khoảng 32 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm 2019. Hiện nay, mặc dù số khách Trung Quốc chưa quay về mức trước dịch nhưng thị trường đang ghi nhận nhiều tín hiệu cải thiện tích cực từ nguồn khách này.
"Việc du khách Trung Quốc đại lục ồ ạt quay trở lại cũng mang đến sự hỗ trợ cần thiết", bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng HSBC viết trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam phát hành hôm nay 5/4. Trong đó, HSBC giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024 nhưng điều chỉnh dự báo theo quý.
"Sau khi Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN chứng kiến du khách Trung Quốc gần như trở lại hoàn toàn vào tháng 2, Việt Nam cũng theo sát cuộc đua này với tỷ lệ phục hồi lên đến 90% trong tháng 3", báo cáo viết.
Tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam đạt mức 5,66% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo của HSBC và thị trường là 6,4%. Dù vậy, điều này không có nghĩa là sự phục hồi bị ảnh hưởng, nhưng câu chuyện phục hồi diễn ra không đồng đều, theo nhận định hôm nay từ HSBC.
Sự sụt giảm gây ngạc nhiên nhất đến từ khu vực dịch vụ, lĩnh vực này chỉ tăng trưởng 6,1% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước. Quá trình phục hồi tiếp tục diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau, trong đó các lĩnh vực trong nước bị tụt lại phía sau so với các lĩnh vực bên ngoài. Cụ thể, dịch vụ “thông tin và truyền thông”, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp đã chậm lại từ quý 4/2023, còn ngành bất động sản vẫn đóng góp ít ỏi cho tăng trưởng kinh tế, phản ánh sự suy yếu kéo dài trong chu kỳ bất động sản.
“Trong khi đó, tăng trưởng kinh doanh bán lẻ chưa trở lại mức xu hướng trước đại dịch, so với xu hướng này thì vẫn còn hụt đáng kể khoảng 10%. Mặc dù chu kỳ xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu nhìn thấy tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa đủ để chuyển hóa thành một cú hích đáng kể cho các lĩnh vực trong nước”, báo cáo viết.
Ngân hàng quốc tế này nhấn mạnh triển vọng dài hạn của dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng. Vốn FDI đầu tư mới trong quý I/2024 tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, 65% trong số đó tập trung vào lĩnh vực trụ cột là sản xuất, phần còn lại rót vào bất động sản.
Khi xem xét nơi xuất phát của vốn đầu tư, HSBC cho biết điểm thú vị là Singapore đã giành ngôi vương là nguồn cung cấp FDI lớn nhất vào Việt Nam, với tỷ lệ ấn tượng là 50%. Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Macau (Trung Quốc) từng chiếm một nửa FDI của Việt Nam trong năm 2023, nay chỉ còn chiếm tổng cộng 15%.
Về lạm phát, lạm phát toàn phần tháng 3/2024 giảm 0,2% so với tháng 2 nhưng lạm phát cả quý tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
“Chúng ta cần tiếp tục cẩn trọng với rủi ro tăng lạm phát thực phẩm và năng lượng, mặc dù chúng tôi không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp nới lỏng trong tương lai gần. Chúng tôi dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở 4,5% trong giai đoạn này và tới năm 2025”, báo cáo viết.
Tựu trung, HSBC tin rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 dù sẽ cần thời gian để sự phục hồi lan tỏa rộng khắp. Ngân hàng cho biết giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 6,0% cho cả năm nhưng điều chỉnh dự báo theo quý với kỳ vọng sự phục hồi sẽ lan rộng hơn nữa trong sáu tháng cuối năm.