Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Việt Nam có vải thiều không hạt, giá bán từ 250.000 đồng/kg
Bà Phan Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết sau 4 năm trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện, đến nay, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm thuộc Tập đoàn Hồ Gươm đang tiến hành thu hoạch 27 ha vải thiều không hạt.
"Năm ngoái một số cây đã cho ra bói và đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, năm nay công ty này tiếp tục tiến hành thu hoạch số lượng lớn bán ra cả thị trường trong nước", bà Hà nói.
Sản lượng 15-20 tấn
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm cho biết giống vải này được công ty hợp tác với Viện Di truyền Việt Nam lai tạo và canh tác theo phương pháp hữu cơ trồng tại nông trường Hồ Gươm - Sông Âm.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận giống và đây là nơi duy nhất ở Việt Nam trồng thành công vải thiều không hạt với quy mô lớn. Công ty chọn Ngọc Lặc, Thanh Hóa để trồng giống vải này vì địa phương phù hợp thổ nhưỡng khí hậu", ông Ninh nói.
Theo lãnh đạo tập đoàn này, giống vải thiều không hạt của công ty đã được cấp bảo hộ sản phẩm, không có hạt, lượng đường thấp và có vị thanh mát, cùi vải mọng, giòn, trắng. Đối với cây vải không hạt, công ty ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm thời gian, công chăm sóc và phân bón đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt.
Năm nay, Tập đoàn Hồ Gươm dự kiến thu hoạch khoảng 15-20 tấn vải thiều không hạt, phân phối ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện công ty đã có khách hàng ở Nhật Bản và đang đàm phán với thị trường khác như Singapore, Canada...
"Giá bán lẻ niêm yết dao động 250.000-320.000 đồng/kg, tùy bao bì và số lượng, kích thước trái vải. Cụ thể, công ty đang phân phối theo các hộp như hộp đặc biệt giá 800.000 đồng/hộp (chỉ sản xuất 200 hộp), hộp 2 kg giá 550.000 đồng/hộp, hộp 1 kg giá 280.000 đồng/hộp và hộp 500 gram giá 148.000 đồng/hộp", đại diện công ty cho biết.
Về phân phối cho thị trường trong nước, vị đại diện này cho biết công ty hợp tác với nhiều kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến như Grab, các siêu thị, cửa hàng... để phân phối rộng rãi sản phẩm tới khách hàng.
Hiện nay, công ty đã ươm hơn 20.000 cây vải không hạt để ghép giống vải quý dự kiến tiếp tục nhân rộng trong những năm tới, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Bắc Giang vẫn đang nghiên cứu
Trước đó, năm 2019, Bắc Giang cũng đưa giống vải thiều không hạt về trồng tại xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn) với hơn 500 cây. Sau hơn 2 năm trồng, năm nay một số cây vải thiều đã ra hoa, đậu quả.
Kết quả, vải cho quả to, màu sắc đẹp, cùi dày và có vị ngọt, giòn rất đặc trưng. Đặc biệt, quả không hạt khi trồng thuần còn một số quả hạt lép rất nhỏ do giao phấn. Vụ vải năm 2022, vải không hạt đã cho bói và đạt chất lượng tốt.
Ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết năm 2022, chỉ có số ít cây ra quả nhưng sản lượng chưa cao. Mẫu mã, hương vị được đánh giá chưa bằng vải thiều chính gốc Lục Ngạn.
Ông Huy nhấn mạnh chưa thể khẳng định Bắc Giang đã thành công trong việc tạo ra một giống vải thiều không hạt. “Trồng cây ăn quả cần nhiều năm. Với cây vải thiều phải cần 6-7 năm mới đánh giá chính xác được chất lượng. Chúng tôi mới dừng ở mức mô hình thử nghiệm, mà thử nghiệm thì có thể thành công hoặc thất bại”, ông Huy chia sẻ.
Ngày 8/6, ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết năm nay đơn vị vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng giống vải này tại tỉnh và người dân tiếp tục lấy mắt ghép cải tạo giống vải không hạt này.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 29.700 ha, tăng 1.400 ha so với năm 2022. Sản lượng ước đạt hơn 180.000 tấn, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 81.000 tấn (chiếm 45%), còn lại dành cho xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Bắc Giang gồm Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Đông Nam Á và một số nước ở khu vực Trung Đông...