Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Việt Nam đề nghị có đường bay thẳng đến Hà Lan
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đưa ra đề nghị phối hợp mởi đường bay thẳng đến Hà Lan trong buổi tiếp và làm việc ngày 18/3 tại Hà Nội với Đoàn công tác Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nguồn nước Hà Lan do Bộ trưởng Mark Harbers dẫn đầu.
Cùng dự có lãnh đạo các cơ quan của Bộ như Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thuỷ nội địa và nhiều đại diện các cơ quan đơn vị.
Ông Thắng cũng đề nghị hai bên tăng cường các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như giao thông thông minh, quản lý - khai thác cảng biển.
Bộ trưởng GTVT cho biết trong lĩnh vực hàng không, Việt Nam đang tập trung triển khai các dự án xây dựng mới, mở rộng cảng hàng không. Dự án sân bay quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai đang được xây dựng có tổng công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm sau khi hoàn thành.
Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai, trở thành cửa ngõ hàng không quốc tế để các doanh nghiệp hàng không của Hà Lan xem xét, kết nối để tiếp cận thị trường với 100 triệu dân của Việt Nam nói riêng và 600 triệu dân của khu vực ASEAN nói chung, Bộ trưởng Thắng thông tin với phía Hà Lan.
Ông cũng gợi ý một số hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực hàng không như: Doanh nghiệp Hà Lan cung cấp thiết bị, giải pháp quản lý tại các cảng hàng không Việt Nam...
Bộ trưởng Mark Harbers, người dẫn đầu đoàn công tác Hà Lan, nhấn mạnh Việt Nam là nước tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây, hỗ trợ gia tăng nhu cầu vận chuyển các loại hàng hóa khác nhau. Do đó, mạng lưới logistics hiệu quả, đáng tin cậy, chất lượng cao sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của các sản phẩm Việt Nam, góp phần đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Ông Harbers nói việc nâng cấp mạng lưới logistics sẽ cho phép có nhiều sản phẩm hơn được giao thương, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do vậy, với việc kết nối các loại hình giao thông sẽ thực hiện được mục tiêu phát triển các hành lang bền vững.
Kinh nghiệm từ Hà Lan, tận dụng hệ thống đường thủy nội địa, kết nối hai cảng biển Rotterdam và Amsterdam với nhiều cảng thủy nhỏ khác, từ đó vận tải đến các điểm đến ở châu Âu bằng đường thủy. Vì vậy, Hà Lan được gọi là cửa ngõ vào châu Âu.
Lĩnh vực hàng hải, Hà Lan coi ba yếu tố: Viện nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân và cơ quan chính phủ là tam giác vàng, hợp lực thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Lĩnh vực hàng không, giữa hai bên có tiềm năng lớn trong hợp tác mở rộng, hiện đại hóa cảng hàng không Việt Nam, bao gồm các công trình mặt đất và thiết bị, vận hành.
"Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á khi thúc đẩy phát triển, kết nối vận tải đường thủy, cảng biển và logistics. Phía Hà Lan mong muốn chia sẻ kinh nghiệp, hợp tác vận tải thủy nội địa, phát triển cảng, đóng tàu, hệ thống logistics thông minh với nhiều giải pháp khác nhau, cả về kĩ thuật, vận hành, mang lại lợi ích cho các bên tham gia", Bộ trưởng Mark Harbers nói.
Ông cũng thông tin rằng Hà Lan và một tổ chức phi chính phủ tại California (Mỹ) đang là đồng chủ trì sáng kiến Biên bản ghi nhớ (EMU) phát thải bằng 0 đối với phương tiện hạng trung, hạng nặng nhằm đạt 100% phát thải bằng 0 vào năm 2040.
Biên bản ghi nhớ này không phải là ràng buộc pháp lý mà mục tiêu nhằm hài hòa hóa, hướng các bên liên quan hỗ trợ, giúp nhau thực hiện và đạt được sự chuyển đổi này. Hiện nay, đã có 33 quốc gia tham gia ký kết EMU và 130 đơn vị khác thông qua như chính quyền cấp địa phương, doanh nghiệp...
Tháng 10/2023, Việt Nam đã được mời tham gia ký kết chính thức EMU cấp toàn cầu này. Hiện nay, thư mời đã được gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam; Bộ Công thương được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối về việc này.