Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Việt Nam khó thu hút nguồn vốn nước ngoài khi mạng lưới logistics còn bất cập
Sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ đón luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn trong thời gian tới. Để chuẩn bị hấp thụ nguồn vốn FDI đó, một trong những việc cần làm là đẩy mạnh logistics.
Logistics còn nhiều bất cập
Dòng vốn FDI được chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Để hấp thụ được nguồn vốn FDI khổng lồ, tạo đà cho sự bứt phá của nền kinh tế, logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của ngành logistics ở Việt Nam, được các chuyên gia cho rằng chính là sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành, thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics còn thấp.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là cần tập trung tăng cường các mối liên kết trong ngành... logistics.
Tổng vốn FDI trong 9 tháng năm 2023 đã vượt mốc 20 tỷ USD, đạt mức 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022 và vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023.
Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết: "Việt Nam đã và đang được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư, một số FTA thế hệ mới được phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực nên triển vọng thu hút FDI rất sáng sủa".
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn cũng sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ngoài đầu tư tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ở những ngành thâm dụng lao động, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ tư vấn, nhưng sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đầu tư những dự án quy mô hàng tỷ USD trong công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tương lai, xây dựng thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
GS.TSKH Nguyễn Mại cho hay, dự án FDI vào các địa phương được thu hút phù hợp với trình độ phát triển của từng tỉnh, thành phố với chính sách ưu đãi phù hợp với danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Theo đó, việc phát triển kinh tế xã hội của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào logistics. Hiện nay, logistics của chúng ta còn nhiều bất cập khi đường sắt còn lạc hậu, việc vận chuyển hành khách, hàng hoá phần lớn là đường bộ. Bên cạnh đó là đường biển, đường thuỷ nội địa, và đường bay.
Việc vận chuyển container đã gây áp lực lên đường bộ, thời gian vận chuyển chậm và gây hư hỏng mặt đường khiến cho chi phí bảo hành đường bộ lớn.
Cần phải hoàn thiện hạ tầng logistics
GS.TSKH Nguyễn Mại cho hay, theo báo cáo mới nhất, chi phí logistics của Việt Nam cao gấp 2 lần so với các nước khác.
Nếu không giải quyết được bài toán hợp lý hoá toàn bộ mạng lưới logistics thì sẽ khó thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Logistics không chỉ có đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa mà còn có trung tâm logistics lớn ở các vùng và liên kết logistis từ nhà sản xuất hàng hoá tới các trung tâm tiêu thụ hàng hoá.
Trong đó, phải liên kết được việc vận chuyển hàng hoá từ nơi sản xuất tới Cảng biển, đường sắt, hàng không để xuất khấu ra nước ngoài. Hiện nay, chúng ta đã có tuyến đường sắt liên vận quốc tế vận chuyển hàng hoá tới Trung Quốc, Nga, các nước Châu âu, đây là cơ hội rất lớn để xuất khẩu hàng hoá qua đường sắt.
GS.TSKH Nguyễn Mại nêu ra 4 vấn đề cần phải làm gồm: Thứ nhất, có chiến lược phát triển đa dạng các trung tâm logistics ở nhiều địa phương, kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế tới các Cảng biển, ga đường sắt,...
Tức là chúng ta đang có 6 vùng phát triển kinh tế xã hội thì ít nhất mỗi vùng phải có 1 trung tâm logistics lớn và trung tâm logistics tại mỗi địa phương. Phương án này đã được đặt ra nhưng chưa có mô hình nào thành công cả.
Thứ 2, cần phải có công nghệ hiện đại, phải hình thành các chuỗi cung ứng một cách hoàn chỉnh. Để không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài mà còn các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong nước có thể tham gia chuỗi cung ứng này.
Chúng ta không thể nào để các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 72% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, chúng ta phải làm cách nào gia tăng tốc độ phát triển và quy mô của các doanh nghiệp trong nước. Việc này nhằm dần dần cơ cấu lại công nghiệp trong nước cũng như cơ cấu lại xuất nhập khẩu hàng hoá.
Thứ 3, phải hoàn thiện hạ tầng logistics trong nước bao gồm: Vận chuyển, kho bãi, thành một hết thống đồng bộ hiện đại.
Thứ 4, khuyến khích đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với một cơ chế thích ứng với điều kiện hiện nay, để nhanh chóng giảm thiểu chi phí logistics, tiến tới có một hệ thống logistics đáp ứng được nhu cầu trong nước, tiếp cận hệ thống hiện đại và trở thành trung tâm logistics của khu vực.
Chi phí logistics đang “ăn mòn” lợi nhuận từ nông sản xuất khẩu
02/07/2023 13:00Giật mình chi phí logistics đang "thắt cổ" nông sản Việt
18/12/2021 18:30Doanh nghiệp xuất khẩu “than trời” vì chi phí logistics, lo khó phục hồi sau dịch
30/11/2021 13:00