Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
"Vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn: Khách quốc tế tới Việt Nam không có chỗ tiêu tiền
Chia sẻ tại hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” tổ chức tại TP.HCM ngày 10/3, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam giảm rõ rệt trong khi lượng khách có tăng.
Vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn: Khách không có chỗ tiêu tiền
Dẫn số liệu thống kê từ World Data giai đoạn 2008 - 2019, ông Hạnh Nguyễn cho biết nếu xét về số lượng khách du lịch quốc tế hàng năm, tỷ lệ tăng trưởng khách tới Việt Nam đã vượt Indonesia vươn lên top 4 ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong khi các nước về cơ bản giữ được doanh thu bình quân trên một khách thì Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6.
“Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng về số lượng nhưng về chất lượng và dịch vụ cần được xem xét một cách nghiêm túc”, ông Hạnh nói và cho biết về du lịch, Thái Lan luôn dẫn đầu tại các nước Đông Nam Á, lượng khách của Việt Nam chỉ bằng 50% và mức độ chi tiêu khách quốc tế chỉ bằng 40%.
Vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn cho biết khách quốc tế tới Việt Nam không có địa điểm mua sắm phù hợp để tiêu tiền. Ảnh: BTC
Theo ông Hạnh, nếu so sánh với Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc hay Nhật Bản thì tổng chi tiêu của du khách quốc tế tại Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều.
Ông Hạnh cho biết các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, trải nghiệm, văn hóa, khám phá - mạo hiểm, công việc tại Việt Nam đã và đang phát triển trong những năm gần đây. Trong khi hai loại hình là xu hướng mới là du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm - giải trí thì Việt Nam còn rất hạn chế.
“Theo tôi, tiềm năng hai loại hình du lịch trên là rất lớn, đây chính là nút thắt cho việc tăng chi tiêu du khách và cũng chính là điểm chúng ta chưa thật sự quan tâm một cách đầy đủ. Trên thực tế, sau khi khách quốc tế tới Việt Nam, vẫn còn nhiều ý kiến về việc thiếu và không có những sản phẩm giá trị và đa dạng để du khách mua sắm, không có địa điểm mua sắm phù hợp để khách tiêu tiền”, ông Hạnh nói.
Ông Hạnh Nguyễn nói có đủ khả năng làm được như Thái Lan, Singapore
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, ngay Đông Nam Á, nhiều nước đã thu hút khách quốc tế rất hiệu quả như Singapore, Thái Lan, hay nhìn rộng ra, gần đây có đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Với Singapore, đảo quốc này có diện tích chỉ tương đương Phú Quốc của Việt Nam. Singapore chọn 4 loại hình du lịch để phát triển, đó là du lịch mua sắm, du lịch vui chơi - giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm.
Theo ông Hạnh, Singapore là một thiên đường mua sắm vì đây là một đảo quốc miễn thuế. Với lợi thế đó, Singapore đã hình thành các trung tâm mua sắm quy mô cỡ lớn, các cửa hàng thương hiệu từ cao cấp tới trung cấp, các cửa hàng miễn thuế dưới phố tập trung trên nhiều cung đường chính như đường Orchard Road.
Với mức độ phong phú về số lượng trung tâm mua sắm, sự thuận lợi trong việc hoàn thuế VAT cho du khách quốc tế, họ đã thu hút được đối tượng du khách tới Singapore với mục đích du lịch mua sắm là chính.
“Kết quả cho thấy, mặc dù diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc nhưng số lượng khách quốc tế đến Singapore và tổng chi tiêu trung bình của một du khách tại Singapore vượt rất nhiều so với Việt Nam. Tôi chắc chắn với quyết tâm thì trung tâm TP.HCM, quận 1 của chúng ta có thể làm được như Singapore để phục vụ khách du lịch quốc tế”, ông Hạnh khẳng định.
Còn Thái Lan, theo ông Hạnh, họ có nét tương đồng về điều kiện thiên nhiên với Việt Nam, tuy nhiên khoảng cách ngành du lịch hai nước còn rất lớn.
Du lịch mua sắm tại Thái Lan đều có đầy đủ các mô hình như trung tâm thương mại trung và cao cấp, trung tâm thương mại factory outlet hàng hiệu, cửa hàng miễn thuế dưới phố (downtown DT), mô hình ấm thực đường phố…
Kết quả, du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép hơn 28%.
Về du lịch mua sắm, “vua hàng hiệu” Hạnh Nguyễn khẳng định: “Việc này chúng tôi đủ sức làm vì chúng tôi hiện đang phân phối hơn 108 thương hiệu quốc tế tại Việt Nam và chúng tôi đang hợp tác kinh doanh cửa hàng miễn thuế với hai tập đoàn lớn nhất trên thế giới là DFS của tỷ phú Bernard Arnualt và Tập đoàn Lotte”.
Chủ tịch IPPG Hạnh Nguyễn đề xuất một trong những thay đổi cần có hiện nay là mở chính sách về cấp/miễn visa, nâng cao năng lực hạ tầng vận chuyển, phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí và mô hình du lịch sức khỏe.