Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Xách tay hàng lậu, bệnh khó chữa của một số nhân viên hàng không
Khi vụ 4 tiếp viên Vietnam Airlines mang hàng cấm về Việt Nam bị lực lượng hải quan và công an bắt quả tang, cả hệ thống kiểm soát buôn lậu của ngành giao thông vận tải phải vào cuộc.
Theo ngành dọc, vụ "chưa có tiền lệ" và nghiêm trọng như thế này sẽ được Cảng vụ Hàng không miền Nam báo cáo lên Cục Hàng không, Cục báo cáo lên Bộ GTVT và Bộ sẽ tổng hợp báo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang là trưởng ban).
Vấn đề đặt ra là hãng bay và hệ thống phòng chống hàng lậu, hàng cấm qua cửa ngõ quốc tế đã làm gì để ngăn ngừa các tiếp viên hàng không đưa hàng hóa không rõ xuất xứ về Việt Nam. Sự việc này không phải xảy ra lần đầu.
Sai phạm có tiền lệ
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tình trạng người về từ nước ngoài mang theo hàng hóa trái quy định vẫn thường xuyên xuất hiện và bị các lực lượng phòng chống buôn lậu ở sân bay phát hiện, xử lý.
Trong số các vụ việc được ghi nhận, không thiếu những trường hợp người vi phạm chính là nhân viên hàng không. Họ là phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất... Đây là nhóm đối tượng có nhận thức đầy đủ về quy định vận chuyển hàng hóa tại sân bay, nhưng đồng thời cũng dễ bị "mua chuộc" do đặc thù công việc cho họ cơ hội tiếp xúc với nguồn hàng từ nước ngoài.
Đơn cử, ngày 1/3, tại sân đỗ máy bay Nội Bài, nhân viên an ninh sân bay đã bắt quả tang một nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO) có hành vi mang một túi xách Dior (hàng mới chưa qua sử dụng) giấu trong túi đồ thợ máy, đi từ trên máy bay VN36 của Vietnam Airlines xuống sân đỗ.
Nhân viên này khai nhận chiếc túi xách trên được ông V.Đ.H. - cơ trưởng chuyến bay - nhờ cầm hộ để đưa ra khỏi sân bay mà không thông qua cửa soi chiếu hải quan.
Nhận thấy dấu hiệu của hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Trung tâm An ninh Nội Bài đã lập biên bản và bàn giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu Nội Bài để xác minh, làm rõ.
Trước đó, ngày 16/10/2022, nhân viên an ninh giám sát chuyến bay VJ829 (Osaka - TP.HCM) phát hiện một thợ máy của VietJet mang 2 túi nylon từ máy bay xuống sân đỗ và bỏ vào xe tải do lái xe tên V.M. điều khiển. Qua kiểm tra, trong 2 túi nylon có 55 cây thuốc lá.
Lực lượng an ninh hàng không đã lập biên bản và phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Nam bàn giao tang vật cho Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất.
Trong năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam đã thi hành kỷ luật đặc thù đối với hơn 100 nhân viên hàng không vì các lỗi vi phạm nghiêm trọng như trộm cắp tài sản từ hành lý khách, gian lận, chiếm dụng tài sản; uy hiếp an toàn an ninh hàng không... trong đó có cả trường hợp nhân viên bảo dưỡng máy bay của VAECO lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa.
Chia sẻ tại họp báo chiều 17/3, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết trước đây hải quan đã ghi nhận những trường hợp tiếp viên sai phạm trong việc vận chuyển hàng hóa về Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên ghi nhận loại hàng hóa là ma túy.
Thời gian qua, lực lượng hải quan sân bay áp dụng cơ chế cho người về từ nước ngoài chủ động khai báo hàng hóa vận chuyển. Trường hợp kiểm tra, phát hiện hàng hóa không khai báo, hải quan sẽ xử phạt và yêu cầu nộp bổ sung thuế tương ứng với giá trị hàng hóa.
Mắt xích dễ gặp rủi ro
Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) nhận định các tiếp viên hàng không sẽ không bị truy cứu nếu hàng hóa mang về trong định lượng cho phép và có đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm phục vụ các thân chủ vướng rắc rối do xách hàng cấm, luật sư cho rằng các tiếp viên cần xác định rõ loại hàng hóa mình mang về là gì, có hợp pháp hay không. "Hàng hóa bất hợp pháp ở đây không chỉ là ma túy mà còn là những loại hàng hóa trốn thuế, không rõ nguồn gốc xuất xứ", ông Tuấn Anh nói.
Nhìn từ góc độ cả hệ thống nỗ lực phòng chống ma túy, hàng cấm xâm nhập nội địa, việc các nhân viên hàng không dễ dàng nhận lời chuyển hàng hóa về Việt Nam cho thấy họ là "mắt xích yếu" để các đối tượng vận chuyển hàng cấm khai thác, lợi dụng.
"Đừng có nhận xách hộ cái gì!", ông Tô Tử Hùng, lãnh đạo Phòng An ninh Hàng không (Cục Hàng không), từng đưa ra khuyến cáo cho tất cả người đi chuyến bay quốc tế, bất kể hành khách hay tổ bay. Lời kêu gọi có phần cực đoan nhưng theo ông Hùng là để tránh được những nguy cơ bị kẻ buôn hàng cấm lợi dụng.
Dựa trên nguyên tắc "suy đoán vô tội", nếu thực sự 4 tiếp viên Vietnam Airlines chỉ nhận lời vận chuyển kem đánh răng, không hề biết bên trong chứa ma túy, hành vi của họ vẫn trái với các quy định của hãng hàng không.
"Trước giờ bay của tất cả chuyến quốc tế, tiếp viên đều bắt buộc ký cam kết, quy định không được phép mang hộ, cầm giúp bất cứ thứ gì. Tuần nào đoàn bay, đoàn tiếp viên cũng triển khai, kiểm tra và làm rất gắt, nhưng ở đây còn là ý thức từng người", đại diện đoàn tiếp viên Vietnam Airlines nói.
Đánh giá sơ bộ về hành vi của nhóm tiếp viên này, lãnh đạo đoàn tiếp viên nhìn nhận đây là lỗi sai chủ động của các tiếp viên. “Đoàn đã quán triệt rất nhiều lần nhưng các tiếp viên vẫn làm sai cam kết”, vị đại diện cho biết.
Tại các sân bay quốc tế ở Việt Nam, hải quan không phải là lực lượng duy nhất chịu trách nhiệm kiểm soát hàng hóa nhập lậu. Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã giao nhiệm vụ này cho từng lực lượng cụ thể.
Theo đó, Công an cửa khẩu chịu trách nhiệm quản lý con người. Lực lượng hải quan với hệ thống soi chiếu sẽ quản lý hàng hóa, hành lý mang theo. Lực lượng an ninh hàng không tại khu bay cũng tham gia giám sát người và hàng hóa, tránh trường hợp hàng hóa bị tuồn ra ngoài mà không thông qua soi chiếu hải quan.
Sáng 16/3, Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu (Cục Hải quan TP.HCM) phát hiện nghi vấn trong hành lý của 4 nữ tiếp viên trên chuyến bay VN10 của Vietnam Airlines từ Pháp về Việt Nam. Cục Hải quan TP.HCM đã phối hợp với công an kiểm tra trực quan và phát hiện hành lý của 4 tiếp viên chứa hơn 8 kg thuốc lắc và hơn 3 kg ketamin được cất giấu, ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng.
4 tiếp viên đã bị tạm giữ để điều tra. Cục Hàng không cũng đã yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Nam báo cáo vụ này.