Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Xuôi theo con nước đồng bằng
Đây chính là nền tảng cho sự phát triển của hệ thống thủy lợi - giao thông phục vụ cho vựa lúa lớn nhất cả nước trong suốt gần 400 năm qua.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 740km bờ biển cùng hai dòng sông Tiền sông Hậu với hơn 8.000km sông rạch có câu truyền miệng vui lắm. "Đạo nào vui bằng đạo đi buôn/Xuống biển lên nguồn gạo chợ, nước sông". Người ta còn nói nơi này có hẳn một nền văn minh sông nước, văn minh kinh rạch, hơn 300 năm rồi.
Nam Kỳ sáu tỉnh em ơi
Sông Cửu Long chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn…
Lịch sử hình thành vùng đất này là lịch sử của những con thuyền. Với những cánh buồm no gió của lưu dân xiêu tán (chủ yếu là cư dân Ngũ Quảng, sau mới là người Minh Hương) men theo hai dòng sông Tiền sông Hậu quy tụ về đây, tạo ra Trấn Giang, Trấn Di, Hà Tiên… Từ những con tàu (thuyền) kềnh càng đến hàng trăm loại ghe, xuồng đủ kích cỡ, công năng luồn lách len lỏi khắp kinh rạch hôm nay là sự sáng tạo, năng động tuyệt vời của cha ông trước địa hình chằng chịt sông nước khác xa cố quán. Chỉ ở đồng bằng này mới sản sanh ra ngôn ngữ sông nước đa dạng, truyền cảm với con nước ròng nước rong, nước lớn nước nhửng, nước lên, nước lớn, nước son, nước nhảy bờ; mới gọi (xuồng) hai lá, tam bản, ghe cui, ghe đục, ghe "cá mòi", ghe lườn, ghe chài…
Làng, ấp ở ĐBSCL trải dài theo các con sông và các dòng kênh, từ "nước" mới ra "nổi": lúa nổi/lúa ma, nhà nổi, làng nổi (bè), chợ nổi… "Văn hóa nổi" vật thể, phi vật thể vô cùng độc đáo, sống động, miên man chưa dừng chưa dứt bao giờ; vun vén cho cái tập tính phóng khoáng, sẻ chia, đùm bọc, "chơi tới trấu", bạn đến chơi đã là quà rồi.
Kinh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu
Và hôm nay, song song với con kinh Vĩnh Tế, nối tiếp tiền nhân, lớp hậu bối lại khắc ghi Kinh Ông Kiệt (kinh T5 - Tri Tôn, An Giang).
Dòng sông phận người. Đi xa người miền Tây nhớ gì? Bến sông trước nhà. Quê là bến sông. Càng đi xa lại càng thắt thẻo, đau đáu nỗi nhớ quê với bến sông thủa trước.
***
Nông nghiệp, trụ đỡ cả nền kinh tế quốc gia, suốt bao năm rồi. Mà châu thổ sông Cửu Long luôn là "đỉnh của chóp". Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 56% sản lượng lúa gạo, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Châu thổ Cửu Long thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng.
Nước son đâu rồi, bạn xưa đâu tá? Nước nâng đỡ châu thổ. Châu thổ ký thú, kỳ tích cũng đa phần nhờ nước. Cũng để thấu hiểu vì sao bước đi bất thường của nước hôm nay lại làm cư dân châu thổ vật vã, oặn lòng đến vậy.
Nghề trồng lúa nước gắn liền với lịch sử khai thác và phát triển ĐBSCL. "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Trời thương tặng cho vùng đất này ngay chữ đầu, còn lại dân nơi đây năng động, có sẵn. Trên 130 năm trước, gạo tròn Gò Công, gạo dài Vĩnh Long, gạo ngon Bãi Xàu đã vượt biển, tiên phong mở đường "Tây du" sớm nhất cho hạt gạo cả nước. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, đồng bằng này đã là vựa lúa lớn nhứt cả nước.
Thống kê của Viện Nông nghiệp Quốc tế - tiền thân của FAO - cho thấy lượng nông phẩm lớn nhất của Đông Dương (gồm Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Cam Bốt và Lào) là lúa gạo; đạt 2.140.000 tấn xuất cảng năm 1937 nhờ diện tích canh tác ở Nam Kỳ tăng mạnh từ 522.000 ha (năm 1880) đến 2 triệu 2 ha (năm 1937) và đặc biệt, lúa gạo Nam kỳ luôn chiếm hơn 50% lượng gạo xuất khẩu khi đó.
Cây lúa hạt gạo Việt Nam (và đồng bằng) hôm nay là sự chắt lọc, tiếp nối những kinh nghiệm, giá trị của tiền nhân thời mở đất với vị thế mới, phương cách mới, tích cực hơn nhiều. Chỉ cần nhìn lại xứ Ba Xuyên (Sóc Trăng nay), nơi từng có thương cảng Bãi Xàu nổi tiếng lục tỉnh, xuất thẳng gạo sang Hong Kong cũng thấy rõ.
Thủa đó, con sông Mỹ Xuyên đã cho ra "Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon/ Chan nước mắm hòn ăn chẳng muốn thôi". Sóc Trăng là quê hương của Nhà nông học Lương Định Của, lại có cha đẻ của hạt gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự. Sự thành công của gạo thơm ST25 - hai lần đoạt giải gạo ngon nhất thế gới (2019 và 2023) - nối dài ngoạn mục loại gạo thơm hạt dài Bãi Xàu nổi tiếng thủa trước và các dòng lúa đặc sản ngon cơm không kém cạnh như Móng chim, Thằng Chệt cụt, Thằng Chệt dài, Một Bụi, Tài Nguyên, Ba Thiệt của đất Sóc Trăng… Con đường lúa gạo Việt Nam cũng được nâng tầm, lấp lánh hơn với ST25.
Ở Châu Đốc (An Giang) có tượng đài con cá ba sa, ngỡ ngàng du khách. Miệt vườn châu thổ Cửu Long vẫn cung cấp cho thị trường trong, ngoài nước bao đặc sản cây trái tươi ngon danh bất hư truyền...
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
Biết bao nông phu trên dải đất chữ S này ngày ngày ngửa lưng lên trời, cắm mặt xuống đất, gió táp mưa sa trên những cánh đồng để làm ra hạt gạo. "Canh điền vi bản". Thiệt kỳ thú xứ gạo nơi sông chia chín cửa cuồn cuộn Cửu Long. Với "nửa mùa nắng cháy nửa mùa nước dâng", vùng đất này đã ôm ấp, nuôi sống bao thế hệ nơi đây.
***
"Không có nơi chốn nào trong suốt cuộc đời tôi được nhìn thấy một dòng sông đẹp đẽ, vĩ đại và hoang dã như nơi đây... Phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau đó", dòng hạ Mekong được nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng L'Amant (Người tình) thốt lên như vậy. Cụ Vương Hồng Sển cũng xác quyết rằng chính mùa nước nổi khiến châu thổ Cửu Long thành nơi Phật địa, là cõi thiên đàng ở nơi địa cầu này.
Mùa nước nổi (từ tháng 7 kéo dài đến tháng 10 âm lịch hàng năm), bản sắc riêng có, đặc sản cuối trời Nam với "Văn hóa mùa nước nổi". Mùa nước nổi, người miền Tây hóa những tượng đài, tràn trề sức sống. Châu thổ bộc lộ rõ tính cách và biến ảo kỳ thú nhất. Là mùa nước lên, nước lớn, nước son, nước nhảy bờ; có ngọn gió chướng rong, gió bấc non. Cá bục đồng quẫy tràn mặt ruộng. Trẹt, ghe, xuồng với lưới, đăng, đơm, đó, đáy giăng giăng khắp đồng trên rạch dưới...
Sông nước Nam bộ độc đáo ngay từ cách gọi. "Nước không chưn (chân) sao gọi con nước lớn?/Cá không thờ sao lại gọi cá linh?". Cá linh, bông điên điển như anh em cột chèo, chỉ dấu mùa nước lên. "Canh chua điên điển cá linh/Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon". Tour du lịch mùa nước nổi giữa cánh đồng Bảy Thưa - Láng Linh mênh mông nước vẫn luôn bộn khách, nôn nao nhất là bà con Việt kiều vọng cố hương...
Sông nước đồng bằng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa…) tạo nên bao giá trị văn hóa độc đáo, đa dạng và phong phú, đậm bản sắc. Chợ nổi là điểm nhấn đặc sắc của văn minh sông nước, là tầng sâu văn hóa bản địa đồng bằng. Cả trăm năm trước giới thương hồ chợ nổi đã sáng tạo ra chiếc bẹo, một hình thức tiếp thị độc đáo lưu truyền đến hôm nay. Lễ hạ bạc, cúng ghe, tống ôn, điểm nhãn… gói trọn tấm lòng nhân nghĩa, nhân văn, trả ơn dòng sông và tri ân tiền nhân mở đất, về lối sống thiện chân suốt nhiều thế hệ trên dòng Cửu Long. Rồi lễ hội đua ghe ngo, lễ hội Ok Om Bok, lễ hội Búng Bình Thiên, những cảnh quan thiên nhiên độc đáo với rừng tràm Trà Sư, rừng ngập mặn U Minh, vườn quốc gia Tràm Chim,… vẫn dập dìu bao khách phương xa.
"Theo chồng về chốn bưng biền/Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê". Cái nét nguyên sơ, chân chất, bàng bạc huyền ảo sông nước còn đó, ngọt ngào đâu chỉ trong tâm thức người châu thổ.
- Tham khảo thêm