HOT HOT HOT:

Ba Giai, Tú Xuất có thật không và quê ở đâu?

25/03/2019 14:26 GMT+7

Ba Giai tên thật là Nguyễn Văn Giai, người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Ông là con thứ ba trong gia đình nên có tên gọi là Ba Giai. Học giỏi nhưng gặp lúc nước nhà lâm cảnh loạn lạc nên ông không đi thi.
Tú Xuất tên thật là Nguyễn Đình Xuất, sống vào thế kỷ XIX, là người gốc làng Chuông, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội.
Xuất là người thông minh, tri thức hơn người nhưng hay gặp thất bại trong khoa cử. Từ đó, ông sinh ra tính hay bông đùa, trêu cợt, đặc biệt là thích đả kích vào các thói hư, tật xấu và những tiêu cực của người đương thời.
Việc Ba Giai gặp Tú Xuất thế nào không ai biết rõ. Theo tài liệu của ông Lữ Huy Nguyên kể lại trong bản truyện Ba Giai Tú Xuất qua lời giáo sư Nguyễn Tường Phượng, hai ông thường gặp gỡ, rủ nhau chơi bời vào thời gian giữa hai lần quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội (1872 và 1882). Có lẽ cùng từ quan hệ học hành thi cử mà hai ông kết thân với nhau.
Những giai thoại về Ba Giai và Tú Xuất được lưu truyền, phổ biến rộng rãi trong thời bấy giờ. Hai nhân vật này thường đi đôi với nhau, bày mưu tính kế để xoay tiền, hoặc lừa bịp, hoặc "chơi” cho ai một vố "thất điên bát đảo", đến mức làm cho những người "có máu mặt" đương thời phải kiêng sợ, tránh né.
Từ quan tổng đốc, tri phủ, tri huyện, chánh tổng lý hương, hào lý ở địa phương đến những người buôn bán ở chợ tỉnh chợ quê, hễ cứ thấy họ nghênh ngang cậy tiền, cậy quyền thế để ức hiếp kẻ khác yếu hơn mình, ngứa mắt là hai ông chọc ghẹo, gây cười để làm nhục họ cho bõ ghét.


Ba Giai, Tú Xuất (minh họa: Nguyễn Quang Toàn)

Chơi khăm cô hàng quần áo
Thấy cô bán hàng áo quần ở dưới phố thường rất chua ngoa với mình, Tú Xuất muốn "trả miếng" cô một vố cho biết tay.
Một hôm, Tú Xuất ăn mặc chỉnh tề, đầu chít khăn chữ nhất, chân đi giày hạ, mình choàng áo dài thâm, nhưng lại không vận quần. Rồi bảo đàn em đem võng lại, đợi trời bắt đầu tối nhá nhem, võng đến hàng cô ả để Tú Xuất vào mua đồ. Nhờ áo dài phủ ra ngoài nên không ai biết là Tú Xuất không vận quần.
Tú Xuất lựa một cái quần đắt tiền nhất, mặc vào, dạo qua dạo lại xem hàng vài vòng, rồi chậm rã ra về, không trả tiền, cũng không nói gì với cô bán hàng. Cô ả chạy theo níu lại: “Ô hay, cái ông này mua quần rồi bỏ đi không thấy trả tiền”.
Tú Xuất quát mắng: “Con bé này hay chửa. Ai mua hàng gì của mày mà đòi trả tiền?”
Cô ả cũng không vừa, túm ngay Tú Xuất lại, tru tréo lên, rồi cho người nhà mời ông trưởng xóm lại xử. Khi trưởng xóm đến, hai bên đôi chối mãi, người bảo mua quần mà không trả tiền, người bảo chỉ xem hàng chứ không mua gì.
Tú Xuất hỏi cô ả: “Nếu bảo tôi mua quần thì mua cái quần nào, tôi đem dấu ở đâu?”. Hai người cãi qua cãi lại, không ai chịu kém ai.
Theo lời yêu cầu từ Tú Xuất, trưởng xóm cho người kéo quần của Tú Xuất xuống, thấy quả y chỉ vận có một cái quần.
Lúc đó, anh chàng càng được đà lên giọng: "Mặt mũi tôi thế này, khăn áo như thế kia, võng cán như thế nọ, mà tôi ở truồng đi dạo phố, xin hỏi trên có ông trưởng xóm, dưới có bàng quan các ngài đây, nghe có lọt lỗ tai không? Con bé này quen thói chua ngoa lâu rồi, nay sinh sự thì phải bị sự sinh".
Kết quả, cô bán hàng bị phạt vạ, Tú Xuất nghênh ngang ra về với cái quần mới.

Ba Giai xoay tiền tiêu Tết
Tết đến, Ba Giai túng tiền quá nên ra chợ dạo quanh, vừa gặp vợ chồng Nhiêu Vẽo đang mặc cả mua vại muối dưa. Mua xong, bác Nhiêu bỏ năm quan tiền vào vại, úp sấp lại, rồi bảo vợ ngồi lên trên để tránh kẻ nào lấy mất.
Đợi Nhiêu trai đi khuất, Ba Giai liền lượn qua, lượn lại trước mặt bác Nhiêu gái, giả vờ đánh rơi mấy đồng tiền. Bác Nhiêu gái thấy có người đi qua đánh rơi tiền, mừng quá, đứng dậy chạy đến nhặt. Thấy người ấy càng đi càng đánh rơi, bác Nhiêu gái mải mê theo nhặt, cố len cả vào chỗ đông người để kiếm xem còn đồng nào nhặt sót không.
Trong lúc đó, Ba Giai lẻn lại, lặng lẽ lấy năm quan tiền úp trong vại rồi đi quanh ra hàng gà xem có con nào tốt để mua. Đúng lúc đó, ông gặp bác Nhiêu trai tay mang một lồng gà đi về phía ao đằng sau chợ. Bác đặt lồng gà xuống vệ đường, đi xuống ao rửa chân.
Ba Giai đến khoác ngay lồng gà ấy lên vai, rồi cũng xuống cầu ao rửa chân với bác Nhiêu. Vừa rửa Ba Giai vừa bâng quơ: “Gớm, trời mưa lầy lội quá, nhất là hàng gà thật dơ bẩn. Chợ Tết kẻ cắp như rươi, tôi phải đeo luôn lồng gà lên vai thế này, chúng nó mới không dám làm gì đấy”.
Nghe Ba Giai nhắc đến kẻ cắp, Bác Nhiêu chột dạ, vội vàng quay lên bờ, thấy lồng gà biến mất nên hô hoán lên.
Ba Giai hỏi: “Ô hay, thế lồng gà ấy của bác đấy à? Có phải ở trong có đôi gà không? Nếu đúng, tôi vừa thấy một thằng ở đây ra xách đi. Nó đi về phía Đông. Cái thằng mặc quần áo nâu, nó rẽ vào xóm kia rồi”.
Bác Nhiêu trai luống cuống, vừa chạy theo hướng Ba Giai chỉ, vừa kêu rối rít.

Chuyện quỵt tiền nhà trọ
Sau khi Tú Xuất ăn chơi tại thành phố Nam Định, ông thấy túi đã cạn tiền nên nghĩ cách đi mua vali, đem mấy cục gạch và giấy bồi bỏ vào, mang đến đến nhà hàng cơm.
Sau khi đánh chén một bữa no say, Tú Xuất đưa vali cho bà chủ nhà hàng cất hộ.
Bà chủ hỏi trong vali có chứa những gì, Tú Xuất nói lập lờ: “Có chút đỉnh thôi, còn thì quần áo và sách vở. Tôi đi thăm ông cụ tôi đang làm án sát Bắc Ninh, đâu cần phải đem nhiều tiền bạc".
Bà chủ nhà hàng tưởng thật, đem vali cất vào chỗ gần giường Tú Xuất nằm.
Đêm đến, Tú Xuất thừa lúc mọi người ngủ say, khẽ rón rén lại mở vali đem gạch và giấy bồi bỏ vào thùng rác nơi góc nhà, rồi trở lại giường, đánh một giấc ngon lành.
Tới sáng, bà chủ hàng cơm dậy trước, nhìn thấy chiếc vali bị mở tung, bên trong không còn vật gì, lo lắng, đánh thức báo cho Tú Xuất và hỏi phải giải quyết làm sao?
Tú Xuất ngồi xổm dậy, ra vẻ sửng sốt: “Làm sao, tôi biết đâu được. Tôi gửi bà cất mà. Bà phải bồi thường chứ còn làm sao nữa?”.
Bà hàng đã đuối lý, sợ anh chàng là con quan án sát, lại tưởng mất trộm thật nên chỉ còn cách năn nỉ. Lời qua tiếng lại, cuối cùng, Tú Xuất mới chịu nhận tiền bồi thường mười nén bạc.
Tú Xuất đi rồi, bọn đầy tớ nhà hàng chiều đến mới phát hiện ra ở thùng rác có giấy bổi và mấy cục gạch - những thứ nhà hàng không có. Lúc ấy, mọi người mới vỡ lẽ nhưng không làm gì được.

Những chuyện “bạo nghịch thiên địa” của Ba Giai và Tú Xuất thời đó rầm rộ lên ở đất Hà Thành. Dân chúng nhiều người khen, thán phục nhưng cũng một số người coi đó chỉ là chuyện mua vui giải trí. Tuy nhiên, về sau, một số chuyện được dân gian tưởng tượng thêm thắt vào cho tăng phần hấp dẫn, hoặc thật sự do một số người vô danh tính nghịch quấy phá bừa bãi mà người ta lại đem gán cho Ba Giai và Tú Xuất. Cuối đời, không ai rõ về hai ông. Mọi thông tin về Ba Giai, Tú Xuất tự dưng chìm lắng, biến mất dần và trở thành bí mật của lịch sử.

Tống Hoa