Hot hot hot:
Thế giới tiếp thị
Bánh trung thu xả hàng, giá rẻ chỉ còn một nửa ngay ngày Rằm tháng 8
Bánh trung thu giá giảm chỉ còn 50%
Chị Nguyễn Thị Nhân (32 tuổi) ở Nam Từ Liêm (Hà Nội), một người chuyên bán hàng online cho biết, bạn chị vừa rồi nhập 1 lô bánh trung thu hơn 1.000 chiếc nhưng không đẩy hết được. Hiện vẫn còn 500 chiếc nên nhờ chị Nhân xả hộ kho.
"Trước đây, giá một chiếc bánh này là 50.000 đến 55.000 đồng/bánh, nay thì bán đại hạ giá chỉ còn 1 nửa. Mua cả 5 chiếc giờ chỉ còn 119.000 đồng, bán gỡ gạc lại tí vốn", chị Nhâm kể.
Dọc các tuyến đường lớn, các cửa tiệm bánh trung thu cũng bắt đầu treo biển giảm giá. Chị Nguyễn Thị Vinh (nhân viên của cửa hàng bánh trung thu trên đường Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, kinh nghiệm hơn 10 năm bán hàng bánh trung thu cho thấy, từ 10-14 tháng 8 (âm lịch) luôn là thời điểm "vàng" để kích cầu đẩy bánh trung thu.
"Bánh trung thu không giống các loại bánh khác, hạn sử dụng ngắn, thường chỉ để được từ 15-20 ngày hoặc 1 tháng là hỏng. Bởi vậy, giá thành thường khá cao, một phần là bởi làm bánh qua nhiều công đoạn, phức tạp, phần khác là do khấu hao cho hàng tồn. Năm nào cũng vậy, cứ tới cuối vụ là bánh ế phải đại hạ giá, giá nào cũng phải bán", chị Vinh chia sẻ.
Nhãn hàng mà chị Vinh đang bán đến từ thương hiệu khá có tiếng. Bình thường một hộp bánh trung thu cao cấp có giá từ 1,3 cho tới 1,6 triệu đồng. Nếu bánh kèm trà hoặc rượu nữa thì giá có thể cao gấp đôi.
Ngoài các sản phẩm truyền thống, năm nay nhãn hiệu chị bán còn cho ra đời nhiều dòng bánh cao cấp như: Bánh trung thu yến sào trà xanh mắc ca; Bánh trung thu yến sào đông trùng hạ thảo; bánh trung thu bào ngư sốt rượu vang... Giá cho mỗi 1 chiếc bánh này lên tới 170-185.000 đồng/1 chiếc 150g. Nhưng theo ghi nhận đến hôm nay - chính rằm trung thu, cửa hàng này giảm giá chỉ còn 70 nghìn đồng/1 chiếc.
Chị Hà Thị Lý (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bình thường chị ít mua bánh trung thu. Mấy năm trước kinh tế còn dư giả thì mua 2-3 hộp biếu bố mẹ 2 bên, rồi biếu đồng nghiệp, nhưng năm nay kinh tế khó khăn, lương giảm nên chị cũng cắt giảm chi tiêu.
"Năm nay, tôi chỉ mua 2 chiếc về thắp hương, cũng may vừa thấy mấy chị em trên mạng nói có lô bánh bán giảm giá", chị Lý nói.
Sức mua bánh trung thu giảm vì đâu?
Chia sẻ với báo chí, nhiều doanh nghiệp làm bánh cho biết, sức mua bánh trung thu năm nay giảm mạnh. Bà Kao Huy Minh, đại diện ABC Bakery cho biết đến năm nay nhu cầu mua bánh trung thu để biếu tặng từ khối khách sỉ (chủ yếu các doanh nghiệp) đã giảm khoảng 40 - 45% so với mọi năm, trong khi sức mua ở khối cửa hàng bán lẻ có mức giảm thấp hơn.
Tương tự bà Nguyễn Thị Thu Thủy - giám đốc Công ty lương thực thực phẩm Đồng Khánh (Long An), chủ thương hiệu bánh trung thu Đồng Khánh hiệu Bông lúa vàng cũng cho biết sau hơn một tháng bán bánh, đơn vị ghi nhận sức mua của khối doanh nghiệp đã sụt giảm 30 - 40% so với mọi năm, trong đó nhiều doanh nghiệp giảm 50% lượng bánh đặt mua, thậm chí không mua.
Nguyên nhân chính là bởi năm nay kinh tế khó khăn, cắt giảm mọi chi tiêu không cần tiết. Các khoản phúc lợi, lễ lạc cũng bị cắt giảm theo.
Trước đó, do dự báo trước được tình hình khó khăn, nên ngay từ giữa tháng 9, nhiều doanh nghiệp đã hạ giá bán, nâng mức chiết khấu, cũng như tăng cường đẩy kênh bán lẻ nhằm bù đắp kênh bán sỉ, bán đơn đặt hàng của doanh nghiệp... nhưng tình hình vẫn không ăn thua.
Có những doanh nghiệp nâng mức chiết khấu lên tới 30% hoặc 50% thay vì 20% như các năm trước. Kèm theo đó còn nhiều chính sách ưu đãi cho khách lẻ như mua 1 tặng 1, nhưng thị trường bánh trung thu vẫn không mấy sôi động.
Do sức mua giảm nên việc nhiều doanh nghiệp chọn giảm giá được triển khai sớm và nhiều hơn mọi năm. Tuy vậy, cũng một số nhãn hàng vẫn không tránh được nguy cơ lỗ nặng vì qua Tết Trung thu, nhu cầu gần như không có.