Chúc tết nhiều nhất, nhưng chưa đủ để gọi là "tết nhất"
Mấy người bạn ngồi nói chuyện, một người hỏi:
- Tết nhất đến nơi rồi, nhanh thật! À, nhưng mà sao người ta lại gọi là tết nhất nhỉ?
- Đó là danh từ nói chung về ngày tết, về mặt thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Ví dụ như câu ông vừa nói: “Tết nhất đến nơi rồi” hoặc “Tết nhất đã đến”.
Thấy vậy, mấy người còn lại tham gia một cách sôi nổi, hào hứng:
- Theo mình, tết nhất là tết to nhất trong năm, cũng là tết vui nhất, hoành tráng nhất, gia đình gặp nhau đông nhất, mua sắm nhiều nhất, nhà cửa sạch sẽ, khang trang nhất, mổ lợn, mổ gà, gói bánh chưng, bánh tét nhiều nhất!
- Đúng vậy! Tết là dịp tiêu tiền nhiều nhất, tiêu một cách lãng phí, “vô tư” nhất, được và phải mừng tuổi nhiều nhất, chúc nhau nhiều nhất nhưng lại cãi nhau ít nhất.
- Tết tổ chức trò chơi và lễ hội dân gian nhiều nhất, thắp hương, cúng bái nhiều nhất, có nhiều hoa nhất, mua quả nhiều nhất, mọi người đều mặc những bộ quần áo đẹp và tươm tất nhất!
- Tết cũng là dịp đi chơi và thăm nhau nhiều nhất, ăn nhiều nhất, uống rượu bia nhiều nhất, nồng độ cồn trong máu tăng nhanh nhất. Do vậy, ăn uống nếu không cẩn thận thì đau bụng nhiều nhất, tai nạn giao thông cũng tăng một cách bất thường nhất.
- Tết còn là ngày các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hỏa, máy bay… phải tăng chuyến nhiều nhất.
- Tết là ngày mà người lao động, các cơ quan, công sở… nghỉ việc nhiều nhất, tết cũng là ngày mà người ta thấy… ngắn nhất trong năm! Hết Tết rồi mà vẫn con cảm thấy... thiếu thiếu thế nào ấy!
- Tết nhất là ngày mà báo chí, đặc biệt là báo in được in đẹp nhất, dày nhất, có câu đối, quảng cáo nhiều nhất!
- Tết nhất ai cũng cảm thấy tất bật, hối hả, vất vả nhưng vẫn vui! Và nhiều khi tất bật, hối hả cũng... chẳng giải quyết được việc gì!
- Tại sao thế?
- Tết mà!