HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 08/01: Nguy cơ khan hiếm thủy sản dịp Tết Nguyên đán 2022

08/01/2022 13:59 GMT+7
Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh thành phía Nam đã phải giãn cách xã hội để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có khu vực ĐBSCL. Điều này đã khiến các sản phẩm nuôi trồng thủy sản như đặc biệt là tôm giảm mạnh.

Chuyển động Nhà nông 08/01.

Khan hiếm thủy sản dịp Tết Nguyên đán 2022

Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh thành phía Nam đã phải giãn cách xã hội để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có khu vực ĐBSCL. Điều này đã khiến các sản phẩm nuôi trồng thủy sản như đặc biệt là tôm giảm mạnh. Bên cạnh đó việc vận chuyển vật tư, con giống để thả nuôi vụ mới cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị đình trệ. Điều này khiến nguồn nguyên liệu thủy sản để phục vụ chế biến, xuất khẩu dịp cuối năm 2021, đầu năm 2022 có nguy cơ bị khan hiếm. Nhất là trong khoảng thời gian Tết Nguyên đán, khi mà sức tiêu thụ thực phẩm trong nước tăng cao. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, mặt hàng tôm đã bị giảm 20 - 30% khiến người dân không khỏi hoang mang và e ngại trong việc thả giống. Dù trong tình hình khó khăn, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng thủy sản Việt Nam vẫn có những điểm sáng. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), qua 8 tháng đầu năm, lượng kim ngạch xuất khẩu tôm tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổ chức 78 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

UBND TP Hà Nội, ngày 7/1, đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UB về việc tổ chức chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó sẽ có 78 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn thành phố. Thời gian tổ chức chợ hoa xuân từ ngày 12/1 đến ngày 31/1 (tức từ ngày mùng 10 đến ngày 29 tháng Chạp). Chợ hoa xuân tổ chức tại các địa điểm được UBND thành phố phê duyệt, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa và ngân sách các quận, huyện, thị xã. Các chợ hoa phải có biển tên, trang trí cờ, ánh sáng, bố trí nơi làm việc và số điện thoại của đơn vị quản lý chợ để liên hệ giao dịch, kịp thời giải quyết các sự cố, dành diện tích phù hợp để làm nơi trông giữ phương tiện cho khách mua sắm.

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả chính ngạch sang Trung Quốc

Xuất khẩu mặt hàng rau, hoa quả đang vươn lên trở thành một ngành hàng mũi nhọn. Năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD. Trong đó Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.Các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này đang được thực hiện tốt, bởi xuất khẩu chính ngạch có nhiều điều kiện ràng buộc hai bên bán và mua hơn. Năm 2021, trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đạt 3,7 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2020. Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động chuyển sang hình thức chính ngạch.Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, Nhà nước cần có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi, làm tốt khâu này sẽ xuất khẩu được nhiều thị trường trên thế giới. Đây cũng là giải pháp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo đến doanh nghiệp và người dân.

Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long, doanh nghiệp khó khăn trăm bề

Hiện nay, một lượng hàng hóa nông sản chuẩn bị cho thị trường Tết và phục vụ xuất khẩu đang vào mùa thu hoạch, trong đó có đến 300.000 tấn thanh long chưa tìm được đầu ra. Theo Cục Trồng trọt, hiện sản lượng thanh long của tỉnh Long An còn khoảng 20.000 tấn, tỉnh Bình Thuận dự kiến từ nay đến hết tháng 2 sẽ thu hoạch khoảng 120.000 tấn.  Mỗi ngày, khoảng 100 xe tải chở thanh long (chiếm gần 90% sản lượng của tỉnh Bình Thuận) đang bị phía Trung Quốc tạm ngưng thu mua và theo thông báo, mặt hàng này của Việt Nam sẽ bị ngừng nhập khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc đến hết ngày 26/1. Trước mắt, các doanh nghiệp thanh long của các tỉnh sẽ tìm đến giải pháp chuyển hướng sang xuất khẩu qua đường biển, cùng với tìm thị trường mới như châu Âu và Mỹ; đầu tư sang chế biến sau thu hoạch như thanh long sấy và những sản phẩm khác. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sẽ mất nhiều vốn, thời gian cũng như sức chịu đựng của doanh nghiệp.

THDV