HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 10/3: Xuất khẩu cà phê sang Nga có nguy cơ bị gián đoạn do xung đột

10/03/2022 14:34 GMT+7
Thông tin với Reuters, một nhà xuất khẩu Việt Nam cho biết giá cà phê đã sụt giảm do xung đột giữa Nga - Ukraine. Đây là thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 10/3.

 Ớt tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, mới đây, đơn vị này đã nhận được thông báo từ Thương vụ Việt Nam tại Bắc kinh về việc Tổng Cục Hải quan Trung Quốc về việc cho phép xuất khẩu trở lại mặt hàng quả ớt tươi của Việt Nam.

Đây là kết quả của 1 quá trình đàm phán bắt đầu từ việc xây dựng phương pháp nghiên cứu và trực tiếp tiến hành thực hiện thí nghiệm xác định thông số xử lý của Cục Bảo vệ thực vật. Tháng 10/2021 phía Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã có văn bản đồng ý với các biện pháp kỹ thuật do Cục đề xuất và tiến hành kiểm tra trực tuyến với các cơ sở đóng gói của Việt Nam. Trong thời gian tới để phía Trung Quốc sẽ có hướng dẫn để công nhận thêm các cơ sở đóng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với các địa địa phương hướng dẫn các cơ sở chế biến, đóng gói có nhu cầu xuất khẩu ớt sang thị trường Trung Quốc bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của phía Trung Quốc, đệ trình danh sách để Tổng cục Hải quan Trung Quốc thực hiện kiểm tra và phê duyệt.

Doanh nghiệp lo xuất khẩu cà phê sang Nga bị gián đoạn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu 15.406 tấn cà phê sang thị trường Nga, trị giá thu về 37,1 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nga luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng. Mặc dù vậy, xuất khẩu cà phê của Việt nam sang thị trường Nga hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Thông tin với Reuters, một nhà xuất khẩu Việt Nam cho biết giá cà phê đã sụt giảm do xung đột giữa Nga - Ukraine. Tại Tây Nguyên, khu vực trồng cà phê chính của Việt Nam, giá cà phê đã giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg từ mức 40.600 - 41.800 đồng/kg trước đó.

Trung Quốc thu mua 38.000 tấn thịt lợn để dự trữ khi giá liên tục giảm

Trung tâm Quản lý Dự trữ Hàng hóa Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ mua 38.000 tấn thịt lợn để dự trữ vào hôm nay 10/3. Đây là đợt mua dự trữ lần thứ 2 trong năm 2022 của Trung Quốc, sự kiện này diễn ra khi Chính phủ nước này tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ giá lợn hơi sau khi liên tục giảm mạnh.

Đợt thu mua dự trữ đầu tiên vừa được thực hiện vào ngày 28/2. Theo Trung tâm quản lý hàng hóa dự trữ Hoa Thương Trung Quốc, đợt giao dịch đấu thầu mua lưu kho lần 2 sẽ thực hiện với số lượng 38.000 tấn, trong khi đợt thứ nhất là 40.000 tấn.

Người chăn nuôi trên khắp đất nước Trung Quốc đã và đang chịu thiệt hại lớn do giá thịt lợn giảm và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao. Các nhà phân tích cho biết, việc thua lỗ kéo dài có thể khiến một số doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, dẫn đến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm mạnh.

Dầu cọ tăng giá kỷ lục do chiến sự Nga - Ukraine

Giá dầu cọ lần đầu tiên trong lịch sử trở thành loại dầu đắt nhất trong số 4 loại dầu ăn chủ chốt, sau khi người mua đổ xô tìm kiếm các loại dầu thay thế cho dầu hướng dương bởi xuất khẩu từ khu vực Biển Đen bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga – Ukraine. Giá dầu cọ đã tăng hơn 40% trong năm nay sau ba năm tăng mạnh liên tiếp. Giá dầu cọ thô Malaysia hôm 9/3 tăng kịch trần, 13,2%, lên 7.268 ringgit/tấn. Sàn giao dịch Bursa (Malaysia) ngày 9/3 đã phải điều chỉnh biên độ giao dịch, lần 1 từ 10% lên 15%, và tạm dừng giao dịch trong một khoảng thời gian. Như vậy, trong một tuần nay, giá dầu cọ đã tăng hơn 6%, trong một tháng qua tăng gần 30%, và hiện cao hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn công nghiệp dầu thực vật FEDIOL cho biết khủng hoảng ở Ukraine đã khiến các chuyến dầu hướng dương của Ukraine sang EU bị đình trệ, thường là khoảng 200.000 tấn mỗi tháng, khiến EU đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dầu ăn nghiêm trọng.

THDV