HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 11/5: Nâng giá trị cho nông sản Thủ đô

11/05/2022 14:19 GMT+7
Để thúc đẩy phát triển nông sản, đặc sản, Hà Nội đang tập trung hỗ trợ quảng bá thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường.

Chuyển động Nhà nông 11/5.

Nâng giá trị cho nông sản Thủ đô

Để thúc đẩy phát triển nông sản, đặc sản, Hà Nội đang tập trung hỗ trợ hợp tác xã, người dân xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường. Theo báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn TP có 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ, trong đó có 25 sản phẩm trồng trọt, 15 sản phẩm chăn nuôi. Mặc dù Hà Nội có nhiều nông sản đặc sản, song số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu còn khiêm tốn. Để phát huy hiệu quả kinh tế từ nông sản, đặc sản địa phương, Hà Nội sẽ tập trung phát triển sản xuất các loại đặc sản địa phương gắn với Chương trình OCOP. Thời gian tới, TP ưu tiên lựa chọn và phát triển sản phẩm lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Cá tra Việt Nam chiếm dần thị phần của cá thịt trắng khác ở Canada

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm đến giữa tháng 4/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Canada đạt 17,2 triệu USD, tăng 69,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu trung bình cá tra phile đông lạnh ở mức tương đối tốt, dao động từ 3,15 - 3,35 USD/kg. So với các thị trường khác cùng khối CPTPP, Canada nhập khẩu sản phẩm khá đa dạng như: Cá tra phile đông lạnh, cá tra cắt miếng/khoanh/khúc đông lạnh, bong bóng cá tra sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm, cá tra và sốt cari thái đỏ; cá tra sốt chanh ngò tây; cá tra sốt tương gừng… Hiện nay, cá tra Việt Nam vẫn đang phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cá thịt trắng khác tại Canada, trong đó nổi bật là sản phẩm cá tuyết cod và cá haddock, cá rô phi. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản phẩm cá tra Việt Nam đang chiếm dần thị phần của các sản phẩm cá thịt trắng khác.

Giá trái cây ổn định trở lại

Tại ĐBSCL, nhiều loại trái cây đã vào mùa chín rộ. Dọc theo các tuyến đường giao thông tại TP Cần Thơ nhiều loại trái cây đặc sản được bày bán trên sạp như sầu riêng, mít, xoài, mận, cam…Dù giá có thấp hơn so với mọi năm nhưng đầu ra nhiều mặt hàng tương đối thuận lợi do có thị trường trong nước và cả xuất khẩu. Để thích nghi với tình hình tiêu thụ của thị trường, hiện nay, bà con nông dân ở ĐBSCL đã thực hiện rải vụ, giãn vụ nên sản lượng trái cây không còn tập trung ồ ạt như trước nữa. Đối với hai loại trái cây khó tiêu thụ nhất là mít Thái và thanh long, ở thời điểm này, giá cả cũng đã có phần nhỉnh hơn trước. Hầu hết các loại trái cây năm nay đều cho năng suất cao và có đầu ra ổn định vì được liên kết với thương lái và doanh nghiệp, khiến cho bà con nông dân yên tâm sản xuất hơn.

Xuất khẩu thủy sản tăng gần 44% 

 Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 4 vừa qua ước đạt 1,05 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2021. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, xung đột Nga - Ukraine càng làm cho nguồn cung thuỷ sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là các sản phẩm cá thịt trắng. Các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.  

THDV