HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 16/2: Giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh

16/02/2022 14:00 GMT+7
Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang bật tăng mạnh sau thời gian dài ở mức thấp. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 16/2.

Giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh

Những ngày gần đây, cá tra nguyên liệu tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh như An Giang, Ðồng Tháp, Bến Tre… được người nuôi cá bán cho doanh nghiệp với giá 26.000-27.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước giá chỉ ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg. Giá cá tra nguyên liệu tăng do được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để chế biến xuất khẩu và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường đang tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương giảm do người dân giảm nuôi tạo điều kiện cho giá nhích lên. Theo hộ dân nuôi cá tra, với giá bán hiện nay, nếu nuôi cá đạt sản lượng tốt và cá ít bị hao hụt, người nuôi có thể đạt mức lời từ 3.000-4.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Dự báo giá cá tra nguyên liệu có khả năng còn nhích lên trong thời gian tới do nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn cung có phần hạn chế. Theo đà tăng của giá cá tra nguyên liệu, giá cá tra giống hiện cũng tăng ít nhất 2.000-4.000 đồng/kg so với trước đây. Tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL, cá tra giống loại 30-40 con/kg có giá từ 35.000-37.000 đồng/kg. 

Hải Dương lần đầu tổ chức Hội thi thu hoạch cà rốt

Ngày 15/2, tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thi thu hoạch cà rốt tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng với nhiều chương trình hấp dẫn, mục đích tăng cường quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Đây là lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức lễ hội thu hoạch cà rốt. Việc tổ chức lễ hội nhằm tăng cường quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cà rốt, hành, tỏi của tỉnh Hải Dương. Đồng thời giới thiệu tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Hải Dương nhằm thu hút đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đối với cây cà rốt nói riêng; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản chủ lực và sản phẩm cà rốt theo hướng bền vững.

Xuất khẩu phân bón tháng 1 tăng 682%

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng, từ phân bón, hóa chất tới thức ăn gia súc và sắt thép, ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng đột biến trong tháng 1/2022, đáng chú ý nhất là phân bón tăng 682% và hóa chất tăng 98,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nhập khẩu phân bón trong tháng 1 đạt hơn 322.000 tấn, tương đương 153,6 triệu USD, giảm 14,5% về lượng, giảm 6% về kim ngạch so với tháng 12/2021. Trong thời gian qua, giá phân bón tăng cao và nhu cầu tăng đột biến đã giúp nhiều doanh nghiệp ngành phân bón báo lãi lớn trong năm 2021.

Thế giới có thể thiếu hụt nguồn cung cao su trong năm 2023

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021. Năm 2023, dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt, sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn.

THDV