HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 19/12: Bão Rai tàn phá hơn 90% cây xanh trên đảo Song Tử Tây

19/12/2021 14:17 GMT+7
Thông tin về những thiệt hại do bão Rai gây ra và những thông tin về nông nghiệp khác sẽ có trong bản tin Chuyển động nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 19/12

Chuyển động Nhà nông 19/12

Bão Rai tàn phá hơn 90% cây xanh trên đảo Song Tử Tây

Đêm qua và sáng nay, bão Rai (cơn bão số 9) đã đổ bộ vào đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa, gây thiệt hại lớn về cây xanh và làm tốc nhiều mái ngói của doanh trại tại đây. Theo ước tính ban đầu, cơn bão Rai đã gây thiệt hại lớn trên đảo Song Tử Tây như: Làm tốc mái trên 500m2 ngói, hỏng 15 tấm pin năng lượng mặt trời, tốc mái trên 400m2 vườn và sập 1 vườn tăng gia; khoảng 90% cây cối trên đảo bị bật gốc và gãy đổ... Cơn bão cũng làm 2 trạm đo gió thủ công và trạm đo gió tự động đều lần lượt bị gãy đổ, một số nơi bị mất điện sinh hoạt… Hiện bão RAI vẫn đang quần thảo trên biển đông và đi chếch về hướng Bắc. Các địa phương một số vùng ven biển miền Trung đã di dời hàng trăm hộ dân ở khu vực nguy hiểm, đến nơi an toàn để tránh bão siêu bão RAI.

Khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu

Ngày 18/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ: Công thương, NN-PTNT, Tài chính, Ngoại giao, GTVT, Y tế, UBND các tỉnh thành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21-9-2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó, Bộ Công thương tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông sản của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề phát sinh tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa để có giải pháp xử lý phù hợp.

Nhiều loại rau, củ Đà Lạt tăng giá

Do sâu bệnh gây hại làm giảm sản lượng, nguồn cung thấp nên nhiều mặt hàng rau, củ Đà Lạt (Lâm Đồng) và vùng phụ cận những ngày qua tăng giá liên tục. 

Cụ thể, củ dền giá 8.000 đồng/kg, cà chua 26.000 đồng/kg (đều tăng 2.000 đồng/kg); ớt chuông Đà Lạt 40.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg); ớt sừng 33.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg). Theo khảo sát tại các nhà vườn, giá ớt sừng và cà chua tăng mạnh do vùng sản xuất Đơn Dương bị giảm sản lượng. Trong khi đó, riêng mặt hàng cà chua, giá tăng vọt là do bệnh xoăn lá bùng phát mạnh khiến sản lượng sụt giảm nghiêm trọng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, bệnh xoăn lá virus gây hại 234,7ha, bệnh mốc sương gây hại 171,7ha tại 2 vùng rau lớn là Đơn Dương và Đức Trọng. Trong ngắn hạn, dự báo giá các loại rau, hoa vẫn duy trì mức cao.

Giá cá tra tăng trở lại

Theo Báo Cần Thơ, giá cá tra tại những tỉnh có nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tại vùng ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ…,đạt 23.000-24.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ ở mức 21.000-22.000 đồng/kg. 

Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để chế biến xuất khẩu và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán 2022. 

Bên cạnh đó, nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương giảm do người dân giảm nuôi góp phần tạo điều kiện cho giá nhích lên. Theo hộ dân nuôi cá tra, với giá bán hiện nay, nếu nuôi cá đạt sản lượng tốt và cá ít bị hao hụt, người nuôi cá tra không còn bị thua lỗ nữa. Dự báo giá cá tra nguyên liệu có khả năng còn nhích lên trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ tăng và nguồn cung có phần hạn chế.

THDV