HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 19/5: Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh

19/05/2022 14:01 GMT+7
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng đột biến. Đây là thông tin sẽ có trong bản tin Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 19/5

Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng đột biến. Đứng đầu là mặt hàng cà phê, trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước đã xuất khẩu 752.000 tấn, tương đương 1,68 tỷ USD, tăng 28,4% về khối lượng và 59,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm là 2.229 USD/tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, với nhóm thủy, hải sản, các mặt hàng như cá tra và tôm có mức tăng trưởng mạnh nhất. Xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm đạt 894 triệu USD, tăng 89,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tôm, lũy kế 4 tháng, giá trị xuất khẩu đạt 1.339 triệu USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2021... Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thời gian tới, giá xuất khẩu các nhóm nông sản này sẽ còn tăng khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới lên cao.

Tôm Việt Nam chiếm hơn một nửa thị phần tại Hàn Quốc

Theo Hải quan Hàn Quốc, thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 49,1% trong 3 tháng đầu năm 2021, lên 51,04% trong 3 tháng đầu năm 2022. 3 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc đạt 23,5 nghìn tấn, trị giá 190,04 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và tăng 24,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc từ Peru trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, đưa nước này trở thành thị trường cung cấp tôm lớn thứ 2 cho Hàn Quốc. Trong khi nhập khẩu tôm của Hàn Quốc từ Thái Lan, Ecuador va Ấn Độ giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Măng cụt Lái Thiêu tăng giá mạnh

Ghi nhận ở TP.HCM, giá măng cụt bán lẻ tại các cửa hàng khá đa dạng. Với cửa hàng nhỏ, lẻ, giá bán khoảng 90.000 đồng/kg cho trái loại trung; còn loại nhỏ, vỏ hơi dày, tùy loại cuống tươi hay cuống héo, giá măng cụt dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg. Ở những cửa hàng trái cây cao cấp, măng cụt "tuyển" được bán với giá khá cao. Măng cụt Lái Thiêu hiện đang được bán lẻ với giá lên tới 145.000 đồng/kg.

Măng cụt được trồng nhiều ở các tỉnh miền Đông, đặc biệt là măng cụt Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), hiện đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Gần đây, măng cụt Thái Lan cũng nhập vào Việt Nam, bán với giá khá cao, có thời điểm gần 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào mùa vụ, măng cụt Việt Nam được nhiều người ưa chuộng hơn.

Nhiều nông dân miền Tây bỏ ruộng vì giá phân bón tăng cao

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt vào bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, chi phí đầu tư vật chất vào sản xuất chiếm tỉ lệ rất cao (71,7%) trong tổng chi phí sản xuất lúa và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí phân bón là 33,1% và thuốc bảo vệ thực vật là 14,6%. Để đảm bảo sản xuất theo quy trình gạo OCOP an toàn, nông dân giảm từ 3 vụ xuống 2 vụ, thực hiện theo mô hình "1 phải 5 giảm". Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng lúa năm 2022 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 375.263ha, giảm 8.305ha so với cùng kỳ năm 2021. Còn tại An Giang, theo Chi cục Bảo vệ thực vật, tính riêng vụ hè thu 2022, diện tích xuống giống lúa đạt 209.186ha, giảm khoảng 600ha so với cùng kỳ, do chuyển đổi sang trồng rau màu và cây ăn trái. Để hỗ trợ nông dân, ngành nông nghiệp địa phương này sẽ tiếp tục các chương trình khuyến nông, tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm và thuận lợi cho việc hỗ trợ đầu ra cho người nông dân.

THDV