HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 20/01: Xúc tiến xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ

20/01/2022 13:54 GMT+7
Sau các chương trình quảng bá và xúc tiến thương mại, người dân Ấn Độ đã biết đến và ưa chuộng thanh long Việt Nam nhiều hơn, lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ cũng không ngừng tăng. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 20/01

Chuyển động Nhà nông 20/01.

 Xúc tiến xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ

Sau các chương trình quảng bá và xúc tiến thương mại, người dân Ấn Độ biết đến và ưa chuộng thanh long Việt Nam nhiều hơn, lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ cũng không ngừng tăng. Thống kê của Bộ Công Thương Ấn Độ cho thấy, thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam tăng mạnh từ 27% trong năm tài chính 2014 - 2015 lên 52% năm 2018 – 2019 và chiếm gần 90% tổng lượng thanh long nhập khẩu của Ấn Độ trong 7 tháng gần đây. Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã luôn chú trọng tạo thuận lợi cho việc đưa trái thanh long vào thị trường Ấn Độ, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với nhà nhập khẩu Ấn Độ, xúc tiến quảng bá trái thanh long Việt Nam với người tiêu dùng Ấn Độ. Nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long Việt Nam tại Ấn Độ, ông Đỗ Thanh Hải - Tham tán Công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài, bền vững khi xuất thanh long vào thị trường Ấn Độ. Mặt khác, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa thị trường Ấn Độ đối với tiêu thụ thanh long Việt Nam.

Trung Quốc yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với sản phẩm thanh long Việt Nam

Đầu tháng 1 năm nay, ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc)đã yêu cầu bất kỳ ai mua thanh long Việt Nam từ một số cửa hàng phải báo cáo với chính quyền địa phương và thực hiện xét nghiệm Covid-19 sau khi y tế phát hiện bao bì thanh long nhập khẩu từ tháng 12 dương tính nhẹ với virus.

Các tỉnh khác như Sơn Đông và Giang Tô cũng ban hành các biện pháp tương tự sau khi tìm thấy virus SARS-CoV-2 tại một số cửa hàng trái cây nhỏ ở địa phương. Nhân viên y tế đã đóng cửa các cửa hàng này, đồng thời đưa một số người dân đi cách ly.

Sau đó, chính quyền một số địa phương đã tạm ngừng việc chế biến và phân phối trái cây nhập khẩu cũng như các sản phẩm dây chuyền lạnh khác vì lo ngại nguy cơ lây lan Covid từ hàng hóa.

Sản lượng cá tra 2022 toàn cầu có thể giảm 4,6%, nguyên nhân chủ yếu từ Việt Nam

Tờ Undercurrent News đưa tin từ Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu tại thành phố Orlando (bang Florida, Mỹ) cho biết, sản lượng cá tra của Việt Nam, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, có thể giảm mạnh vào năm 2022. Sự đi xuống trong sản lượng cá tra của Việt Nam có thể kéo sản lượng toàn cầu hụt khoảng 4,6% so với năm 2021, xuống còn 3,1 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng của 4 nước còn lại trong nhóm 5 nhà sản xuất cá tra hàng đầu thế giới đều được kỳ vọng sẽ đi lên trong năm 2022. Cụ thể, sản lượng của Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Indonesia có thể lần lượt tăng lên khoảng 0,66 triệu, hơn 0,46 triệu, khoảng 0,46 triệu và 0,2 triệu tấn.

Xuất khẩu gạo 2021 báo hiệu một năm bứt phá mạnh

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu năm nay đạt tương đương năm 2020 với giá trị mang về trên dưới 3,27 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm ngoái. Diễn biến này cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đi đúng hướng giảm khối lượng, tăng giá trị xuất khẩu nhờ nâng cao chất lượng. Trong năm 2021, số liệu từ các tổ chức thế giới đều cho thấy sản lượng sản xuất gạo toàn cầu đều tăng so với năm trước. Thái Lan dự kiến sẽ vẫn là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Việt Nam.  

THDV