HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 22/4: Hàng loạt diện tích trồng sắn ở Nghệ An bị nhiễm bệnh khảm lá

22/04/2022 14:10 GMT+7
Bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại Nghệ An từ năm 2020, cho đến nay, đã có hơn 1/3 diện tích trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 22/4.

 Hàng loạt diện tích trồng sắn ở Nghệ An bị nhiễm bệnh khảm lá

Là một trong những cây trồng chủ lực của xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, thời gian qua cây sắn đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân. Đến nay, toàn xã có hơn 170 ha trồng sắn nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện hầu hết các diện tích sắn trên địa bàn đều bị nhiễm bệnh, sản lượng giảm 30 – 40% so với cây không nhiễm bệnh, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại Nghệ An từ năm 2020 với chỉ 20 ha sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với tốc đố lây lan nhanh nên năm 2022 có hơn 1/3 diện tích trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn Nghệ An bị nhiễm bệnh khảm lá. Nguyên nhân chính là do người dân trồng lại giống sắn đã nhiễm bệnh từ mùa trước. Đặc biệt, khi phát sinh bệnh trên cây sắn thì lây lan nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh đã xuống giống trên 9.000 ha sắn nguyên liệu nhưng đã có đến trên 3.600 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá. Để xử lý bệnh khảm lá sắn, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh.

Xuất khẩu cá ngừ đạt đỉnh 5 năm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 3, xuất khẩu cá ngừ tiếp tục tăng trưởng tốt ở mức 58% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 104 triệu USD. Con số này đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong quý I lên mức cao nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong quý I đạt hơn 259 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, trong quý I xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 137 triệu USD, tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 57 triệu USD, tăng 84%. Với kết quả, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam.

Xuất khẩu rau quả chuyển hướng sang Mỹ, Nhật, Hàn

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 3, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 344 triệu USD, giảm 14% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 849 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 do bị tắc nghẽn đường xuất khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt 455 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi xuất khẩu hàng rau quả tới Trung Quốc giảm mạnh thì xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan tăng trưởng tốt trong quý I. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng rau quả sang Mỹ đạt 62 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021. Mới đây, trong buổi làm việc với Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề xuất phía Mỹ hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu quả bưởi sang thị trường này. Nếu được chấp thuận, quả bưởi sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước đó, Mỹ đã cấp phép nhập khẩu 6 loại quả tươi từ Việt Nam, gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa…

Giá lợn hơi sụt giảm mạnh khiến người nuôi lợn thịt Trung Quốc lỗ gần 40 USD/con

Dữ liệu hải quan Trung Quốc vừa công bố cho thấy, do tỷ suất lợi nhuận ngành chăn nuôi lợn kém đã dẫn đến việc hạn chế lượng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ và Brazil so với năm ngoái. Theo đó, tính trong cả tháng 3/2022, Trung Quốc -nhà nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới chỉ nhập khẩu có 3,37 triệu tấn, giảm mạnh so với con số 7,18 triệu tấn cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do tỷ suất lợi nhuận của ngành sản xuất lợn hơi yếu đã hạn chế nhu cầu nhập khẩu đậu tương, loại nguyên liệu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và chế biến dầu ăn. Theo tính toán của người nuôi lợn thịt ở tỉnh Tứ Xuyên, địa phương có đàn lợn thịt lớn nhất Trung Quốc, hiện mỗi con lợn hơi đến kỳ xuất chuống gây thua lỗ khoảng 240 nhân dân tệ, tương đương 37,51 USD (1 USD ăn 6,3988 nhân dân tệ). Tỷ suất lợi nhuận ngành heo hơi của Trung Quốc hầu như dao động trong mức âm kể từ giữa năm ngoái đến nay.

THDV