HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 24/2: Hơn 55.100 tấn gạo Việt Nam sẽ hưởng thuế suất 5% khi xuất sang Hàn Quốc

24/02/2022 13:53 GMT+7
Tổng Công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc (aT) vừa thông báo, hơn 55.100 tấn gạo Việt Nam sẽ hưởng thuế suất 5% khi xuất sang Hàn Quốc. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 24/2.

Hơn 55.100 tấn gạo Việt Nam sẽ hưởng thuế suất 5% khi xuất sang Hàn Quốc

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng Công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc (aT) vừa thông báo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo và kế hoạch các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo trong năm 2022. Vì vậy, 55.112 tấn gạo của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 5%. Theo Vụ thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương), đầu tháng 2 vừa qua, Hàn Quốc thông báo mở thầu mua 27.791 tấn gạo từ Việt Nam gồm cả gạo lứt hạt dài và gạo tẻ hạt dài. Cụ thể, Hàn Quốc mời thầu 9.000 tấn gạo lứt hạt dài đến cảng Icheon, 9.000 tấn cùng loại đến cảng Mokpo, 8.791 tấn đến cảng Ulsan và 1.000 tấn đến cảng Busan. Dự kiến, thời gian mở thầu sẽ diễn ra vào ngày 28/2 tới.

Bạc Liêu mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp

Năm 2022, tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ tập trung hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 920 triệu USD, tăng 18,54% so với năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu được xác định là thủy sản đông lạnh 87.450 tấn; trong đó tôm đông lạnh là 84.300 tấn; muối 1.160 tấn. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, để đạt được mục tiêu trên, nhiều giải pháp đã được tỉnh xây dựng và triển khai. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, do hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn vẫn có quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn chủ yếu từ tín dụng ngân hàng, và nhiều yếu tố khác tác động. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, tỉnh Bạc Liêu mong muốn không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp mà còn hướng tới một nền kinh tế đa dạng sản phẩm, có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Giá ngũ cốc lập đỉnh mới khi Nga và Ukraine căng thẳng leo thang

Lúa mì và đậu nành đang dẫn đầu đợt tăng mới của thị trường ngũ cốc, khi các nhà đầu tư đổ dồn sự chú ý vào xung đột địa chính trị giữa hai "cường quốc ngũ cốc" Nga và Ukraine. Cụ thể, giá lúa mì giao sau tại Chicago có thời điểm tăng tới 4,2% lên 8.8875 USD/giạ - mức cao nhất kể từ cuối năm 2012 và kết phiên đạt mức 8,8475 USD/giạ. Giá lúa mì cứng đỏ mùa đông (hard red winter wheat) chạm mức đỉnh 9 năm. Giá đậu nành có lúc tăng 2,5% lên 16,75 USD/giạ, xác lập mức cao nhất kể từ năm 2012 trước khi đóng cửa phiên giao dịch ở mức 16,71 USD/giạ. Dầu đậu nành cũng chạm mức giá cao nhất kể từ năm 2008.

Người dân ngoại thành Hà Nội mặc áo mưa chống rét cho rau màu

Thời tiết khắc nghiệt kéo dài, khiến nhiều diện tích rau màu bị thiệt hại, do cây trồng không thể sinh trưởng hoặc sinh trưởng rất chậm, trong thời tiết giá rét.

Tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, nhiều người dân đã phải dùng những tấm màng ni lông dày, để bọc lên, bảo vệ những luống rau khỏi rét hại và sương muối. 

Ngoài ra tưới kích rễ cho từng gốc rau, cũng là một biện pháp thiết thực để đảm bảo sinh trưởng cho cây trồng. Được biết, sau khi thực hiện những biện pháp "chống rét" nói trên, chi phí cho sản xuất các loại rau màu tăng lên đáng kể, trong khi giá bán không tăng được nhiều. Tuy nhiên điều này không làm ảnh hưởng đến tinh thần lao động và quyết tâm "bám đồng, cứu rau" của bà con.

THDV