HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 24/3: Ngành chăn nuôi Việt Nam nằm trong top đầu Đông Nam Á

24/03/2022 14:05 GMT+7
Ngành chăn nuôi hiện đóng góp 25% GDP cho ngành nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường. Đây là thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 24/3: Ngành chăn nuôi Việt Nam nằm trong top đầu Đông Nam Á

Chuyển động Nhà nông 24/3: Ngành chăn nuôi Việt Nam nằm trong top đầu Đông Nam Á

Thị trường tiêu ảm đạm vì áp lực nguồn cung dồi dào 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay các địa phương đang bước vào thu hoạch vụ mới. Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, giá tiêu đã giảm mạnh 2.500 - 3.500 đồng/kg. So với ngày 28/2, mức giảm cao nhất là 3.500 đồng/kg diễn ra ở các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai. Giá hạt tiêu trắng ở mức 119.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 2, nhưng vẫn cao hơn so với mức giá 103.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021. Giao dịch hạt tiêu thế giới cũng đang diễn ra khá ảm đạm khi xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Trong khi đó, lạm phát, hàng hóa tăng giá tại nhiều quốc gia. 

Ngành chăn nuôi Việt Nam nằm trong top đầu Đông Nam Á

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu. Ngành chăn nuôi hiện đóng góp 25% GDP cho ngành nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường. Sản phẩm chăn nuôi heo ngoài đáp ứng thị trường nội địa thì đã có xuất khẩu như: thịt heo choai, heo sữa… Dù ngành chăn nuôi của Việt Nam nằm trong top đầu ở Đông Nam Á song do phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới, giá thức ăn, nguyên liệu tăng, cộng thêm nguồn cung bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc

Dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đã nhập khẩu 84,2 nghìn tấn cao su với các mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005; trị giá 177,74 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 3 cho Hàn Quốc. Sau 2 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này đạt 8,22 nghìn tấn, trị giá 15,31 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lưu ý, thị phần cao su Việt Nam chiếm 9,8% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, tăng so với mức 8,8% cùng kỳ năm ngoái.

Thanh Hóa khan hiếm lao động đi biển đầu năm

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm ngư dân tất bật chuẩn bị cho phiên biển đầu năm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm lao động biển xảy ra nhiều năm nay khiến các chủ tàu lo lắng. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 6.694 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 1.172 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu vùng lộng và gần bờ. Dù đang là thời điểm ra khơi đầu năm nhưng nhiều tàu cá vẫn nằm bờ. Theo ngư dân, thời điểm hiện tại, do nhiều nguyên nhân như giá xăng dầu tăng; sản lượng đánh bắt hải sản giảm, người lao động còn mặn mà với nghề biển. Nhiều thuyền viên đã chuyển hướng đi học nghề theo các tàu vận tải; số khác chuyển sang những nghề phù hợp hơn với nhu cầu. Các chủ tàu lớn gặp rất nhiều khó khăn; nhiều phương tiện phải nằm bờ nhiều ngày vì không đủ khả năng bù lỗ và nhân lực để vươn khơi.


THDV