HOT HOT HOT:

Chuyển động nhà nông 25/11: Giá cà phê tăng cao kỷ lục trong 10 năm qua

25/11/2021 15:15 GMT+7
Cà phê được mùa giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp thủy sản cho Hàn Quốc, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại, giá phân bón tăng chóng mặt... là những tin chính trong Chuyển động nhà nông ngày 25/11.

Chuyển động nhà nông 25/11

Chuyển động nhà nông 25/11

Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân đứng trước nguy cơ lỗ trong vụ Đông Xuân

Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực sản xuất lúa gạo nhiều nhất nước, chiếm hơn 50% sản lượng gạo của quốc gia. Vụ Đông Xuân sắp tới là vụ lúa chính của của khu vực này. Thế nhưng, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, giá vật tư đầu vào tăng chóng mặt, đặc biệt là giá phân bón liên tục tăng có nguy cơ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con nông dân.

Theo Phóng viên Chuyển động nhà nông, hiện tại giá phân đạm Cà Mau đang là 1.050.000 đồng/bao, còn phân DAP là 1.375.000 đồng/bao và Kali là 1.080.000 đồng/bao. Trong khi cùng kỳ năm trước, phân đạm Cà Mau chỉ có 370.000 đồng/bao, DAP giá 580.000/bao, Kali giá chỉ 430.000/bao, chỉ bằng 1/3 so với giá hiện tại

Giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp trong khi giá lúa lại không tăng khiến người nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ trong vụ Đông Xuân.

Cà phê được mùa giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây

Tỉnh Đắk Lắk hiện đang bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021- 2022. Giá cà phê nhân đang được bán ra với giá dao động từ 41.000 – 42.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất của cà phê trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy chi phí đầu tư tăng từ 20 – 30% nhưng cà phê được mùa và được giá nên người nông dân vẫn có thu nhập ổn định từ lãi bán cà phê.

Chuyển động nhà nông 25/11: Giá cà phê tăng cao kỷ lục trong 10 năm qua - Ảnh 2.

Cà phê được mùa giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nguồn: Báo Chính phủ

Đắk Lắk là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước với gần 210 nghìn ha, ước sản lượng niên vụ này khoảng 500 nghìn tấn cà phê nhân.

Hiện nay, người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hái. Để việc thu hái kịp mùa vụ, đảm bảo chất lượng hạt cà phê và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, vừa qua, Sở đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị 20 để chỉ đạo việc tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2021 - 2022. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85%; trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại

Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trở lại, xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn buộc tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn. Dịch đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi và cung cầu thực phẩm.

Để công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp Tết Nguyên Đán và thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị mới ngày 25/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch.

Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp thủy sản cho Hàn Quốc

Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, Trong 10 tháng qua, nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào Hàn Quốc đạt 124,3 nghìn tấn, trị giá 625,2 triệu USD, giảm 0,8% về lượng, nhưng tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam hiện đang cung cấp 10,7% trong tổng lượng nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc và đang là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc sau Trung Quốc và Nga.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ tăng mạnh theo chu kỳ. Nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm thủy sản có trị giá cao sẽ tăng.

Đây là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tôm có giá cao sang Hàn Quốc trong thời gian tới trong bối cảnh cả nước đang bước vào thời kỳ phục hồi sản xuất thích ứng với trạng thái bình thường mới trong phòng, chống dịch Covid-19.

THDV