HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 4/4: Hàng nghìn ha lúa và hoa màu ở miền Trung bị ngập và đổ ngã

04/04/2022 14:30 GMT+7
Tại các tỉnh Nam Trung bộ, đợt mưa lớn kèm gió mạnh từ 30/3 đến 1/4 đã làm ngập, đổ ngã hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu. Người dân đang nỗ lực khẩn cấp tiêu thoát nước để cứu hàng chục nghìn ha lúa sắp thu hoạch. Thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 4/4.

 Hàng nghìn ha lúa và hoa màu ở miền Trung bị ngập và đổ ngã

Tại các tỉnh Nam Trung bộ, đợt mưa lớn kèm gió mạnh từ 30/3 đến 1/4 đã làm ngập, đổ ngã hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu. Tại Bình Định, hơn 11 nghìn ha lúa đông xuân đang trong thời gian thu hoạch và 577 ha hoa màu bị hư hại. Ngay sau khi hết mưa, các khu vực ruộng bị ngập úng đã tiêu thoát nước. Chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với người dân kiểm tra các vùng bị thiệt hại, tiêu thoát nước, theo dõi diễn biến của thời tiết để thu hoạch các diện tích ruộng đã khô ráo. Tại Quảng Nam, đợt mưa vừa qua đã khiến 14.352 ha/41.500ha lúa đông xuân bị ngã đổ, ngập nước; trong đó có 2.510 ha bị thiệt hại hoàn toàn, 1.530 ha bị thiệt hại từ 50 - 70%. Ngoài ra, 734 ha hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó có 410 ha bị thiệt hại hoàn toàn. Tại Quảng Ngãi, vụ lúa đông xuân năm nay toàn tỉnh sản xuất khoảng 38.000 ha lúa. Hiện có trên 4.500ha lúa bị ngã đổ, ngập úng; trong đó nhiều nhất ở các địa phương như Mộ Đức, Nghĩa Hành, Thị xã Đức Phổ.

Hà Nội: Nhân rộng những vùng hoa ven đô

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thống kê toàn TP hiện có khoảng 3.000ha trồng hoa các loại, tập trung chủ yếu tại những địa phương ven đô. Ngoài 4 huyện trọng điểm kể trên, diện tích trồng hoa rải rác cũng được ghi nhận tại các huyện: Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây…

Theo định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu sẽ phát triển từ 8.000 - 9.000ha hoa các loại. Trong đó, diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 500 - 700ha. Hà Nội cũng sẽ phát triển vùng hoa theo hướng tăng tưởng bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong định hướng phát triển đến năm 2025, Hà Nội cũng sẽ chuyển đổi dần những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh. Khai thác nhằm tạo sinh kế và phát huy hiệu quả đất bãi ven sông để tập trung phát triển hoa, cây cảnh, cây công trình theo hướng trang trại gắn với du lịch trải nghiệm…

Giao dịch cà phê ở Việt Nam chậm do nguồn cung thắt chặt

Theo ghi nhận của Reuters, thời gian gần đây, giao dịch cà phê tại Việt Nam đang chững lại do nông dân đã bán gần nguồn hàng và chỉ giữ lại một phần chờ giá tăng. Trong tuần cuối tháng 3, nguồn cung cà phê tại Việt Nam bị siết chặt hơn do nông dân đã bán phần lớn lượng cà phê thu hoạch được và chỉ giữ lại một phần với hy vọng giá sẽ tăng trong thời gian tới. Điều này khiến các giao dịch mua bán chững lại phần nào. Nông dân ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, bán cà phê với giá khoảng 41.100 - 42.000 đồng/kg, ít biến động so với tuần trước đó. Trong ba tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính tăng 19%, đạt 541.000 tấn. Riêng trong tháng 3, xuất khẩu cà phê ước đạt 170.000 tấn, trị giá 394 triệu USD.

Người nuôi ong và doanh nghiệp gặp khó khăn đi tìm thị trường mới

Hiện nay, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ, trong đó, tỉnh Đắk Lắk chiếm tới gần một nửa, tương ứng hơn 20.000 tấn 1 năm. Hàng năm, sản lượng mật ong của tỉnh Đắk Lắk đạt trung bình 28.000 tấn và là địa phương có gần 50% sản lượng mật ong xuất khẩu của cả nước. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên đến 412% đối với sản phẩm mật ong xuất khẩu của Việt Nam, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nuôi ong, doanh nghiệp và một phần thu ngân sách của Đắk Lắk. Hiện nay, tỉnh Đăk Lăk đã có văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mật ong. Đồng thời, 2 doanh nghiệp trong vụ việc điều tra của DOC là Công ty CP Ong mật Đắk Lắk và Công ty CP Ong mật Ban Mê Thuột đã chủ động làm việc, cung cấp số liệu thông tin cho các công ty luật tại Mỹ, để đưa ra luận điểm bác bỏ phán quyết của DOC đối với mức thuế chống bán phá giá mật ong của Việt Nam. Có thể thấy, việc Mỹ dự kiến áp thuế chống bán phá giá đối với ngành mật ong đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và sinh kế của người nuôi ong. Tuy nhiên, đây cũng lời cảnh báo để ngành ong mật Việt Nam nói chung và ong mật Đắk Lắk nói riêng, cần nhìn lại mình để có hướng đi phù hợp trong môi trường kinh doanh toàn cầu hoá hiện nay.

THDV