HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 6/2: Nhiều loại hải sản miền Tây đắt hàng ngày mùng 6 Tết

06/02/2022 16:13 GMT+7
Trong ngày cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều loại thủy, hải sản ở các tỉnh miền Tây hút hàng, tuy nhiên giá chỉ tăng nhẹ. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 6/2.

Nhiều loại hải sản miền Tây đắt hàng ngày mùng 6 Tết

Sáng 6/2, nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khai trương đầu năm, trong đó tôm càng xanh là loại hải sản được nhiều người chọn mua để làm lễ vật cúng bái nhất. Được biết, tại Sóc Trăng, giá tôm càng xanh loại 5-6 con là 400.000 đồng/kg, tăng nhẹ 50.000 đồng/kg so với tuần trước. Ngoài tôm càng xanh, tôm sú tươi sống loại lớn và cua gạch cũng được người dân chọn mua để liên hoan, ăn Tết cùng người thân, bạn bè. Sáng mùng 6 Tết, Tôm sú loại 10 con giá bán tại chợ dao động khoảng 500.000 đồng/kg. Tôm sú 15 con giá gần 400.000 đồng/kg. Cua gạch loại 2 con/kg tại Sóc Trăng giá 700.000 đồng/kg, trong khi đó cua thịt có giá 400.000 đồng/kg.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường châu Âu và châu Mỹ tăng trưởng cao

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong quý IV/2021 đạt 800,2 triệu USD, tăng 10,5% so với quý III/2021, tăng 3% so với quý IV/2020. Tính chung năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020. Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Biểu đồ cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu sang các châu lục trong năm 2021 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng, thì tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm. Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020.  

Nhiều xe nông sản Việt được thông quan qua cửa khẩu sang Trung Quốc sớm hơn dự kiến

Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, nhiều xe container chở chuối, thanh long… đã được xuất khẩu sang Trung Quốc từ mùng 3 Tết (tức ngày 3/2 Dương lịch).

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh tại tỉnh Lạng Sơn đã thông quan hàng hóa trở lại từ ngày 3/2 (tức Mùng 3 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022), sớm hơn so với kế hoạch dự kiến.

Cũng trong những ngày đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đã diễn ra khá sôi động. Chi cục Hải quan cửa khẩu Kim Thành cho hay, trong 3 ngày Mùng 1, 2 và 3 Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đã có 287 tấn nông sản của Việt Nam được thông quan để xuất khẩu sang Trung Quốc. Các mặt hàng được thông quan gồm thanh long, dưa hấu, chuối. Trước đó, lực lượng chức năng phía Trung Quốc cho biết sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa từ ngày 31/1 đến ngày 6/2/2022 (tức từ 29 tháng Chạp đến 6 tháng Giêng).

Cà phê Việt Nam chuyển dịch xuất khẩu sang khu vực châu Á

Năm 2021, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các khu vực tăng so với năm 2020, ngoại trừ châu Đại Dương. Số liệu thống kê cho thấy, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Á tăng 22,8%.

Năm 2021, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng so với năm 2020, ngoại trừ cà phê Excelsa giảm 14,4%. Cơ cấu chủng loại có sự chuyển dịch, tốc độ xuất khẩu cà phê Arabica tăng 19,9%, tỷ trọng xuất khẩu tăng từ 5,25% năm 2020 lên 5,62% năm 2021. Tuy nhiên, cà phê Robusta vẫn là chủng loại xuất khẩu chủ yếu, tỷ trọng chiếm 75,12% trong năm 2021, trị giá 2,32 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào, các FTA tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá xuất khẩu nhiều khả năng duy trì ở mức cao.

THDV