HOT HOT HOT:

Chuyển động Nhà nông 7/12: Lấy lại vị thế cây mía đường

07/12/2021 13:58 GMT+7
Giá mía đang tăng trở lại sau thời gian dài giảm sâu. Nông dân theo đó đang quay lại chú trọng đầu tư cho cây mía, nhất là thâm canh theo hướng chủ động tưới.

Chuyển động Nhà nông 7/12

Chuyển động Nhà nông 7/12.

Giá mía đang tăng trở lại sau thời gian dài giảm sâu

Gần đây, giá mía đường đang tăng dần lên sau thời gian dài hạ giá. Nông dân Phú Yên theo đó đang chú trọng quay lại đầu tư cho cây mía. Ngành chức năng cũng đang triển khai các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư mở rộng diện tích mía chủ động tưới tiêu.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, mía là cây trồng chủ lực của tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của tỉnh. Tổng diện tích mía toàn tỉnh tính đến tháng 6/2021 là khoảng 22.000ha, năng suất bình quân khoảng 57,4 tấn/ha. Vùng nguyên liệu chủ yếu ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa và Phú Hòa.

Ngành Thủy sản tăng tốc sản xuất đáp ứng nhu cầu cuối năm

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản đang tăng tốc bảo đảm đáp ứng đủ đơn hàng cho dịp cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022. Đây là tín hiệu hết sức tích cực, cho thấy ngành Thủy sản đang phục hồi sau những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra, bên cạnh đáp ứng thị trường trong nước, còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị 8,8 tỷ USD trong năm nay.

Để ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan chức năng khắc phục ngay tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng và xuất khẩu; đồng thời yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai hệ thống giải pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó bảo đảm an toàn cho chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản. Tiếp đến, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương trong công tác chuyển giao kỹ thuật khai thác, nuôi trồng, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản; ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển thị trường... nhằm giải quyết khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tổng kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 39,2 tỷ USD

Bộ NN&PTNT thông tin, tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2021 ước khoảng 39,2 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 54,2%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 3,1 tỷ USD, giảm 1,8%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 11%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 260,5%...

Trong 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhiều nhất từ khu vực châu Á (khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 30,2%) và châu Mỹ (khoảng 9,4 tỷ USD, chiếm 24,1%). Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất, đạt gần 3,5 tỷ USD, chiếm 8,9% thị phần (trong đó mặt hàng bông chiếm 35,5% giá trị); tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 3,3 tỷ USD, chiếm 8,5% (mặt hàng điều chiếm gần 61,7%).

Giá khô cá đồng tăng mạnh do nguồn cá nguyên liệu khan hiếm 

Theo thống kê, huyện Phùng Hiệp tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 20 doanh nghiệp chế biến các loại khô như cá lóc đồng, các trạch rút xương, cá trê một nắng. Dịp tết hàng năm, mỗ cơ sở chuẩn bị từ 1 tấn đến 3 tấn khô cá. Năm nay lượng cá đồng khan hiếm, giá tăng mạnh nên sản lượng khô có thể giảm 50%. Chủ cơ sở sản xuất khô cá trạch rút xương ở xã Hòa An, huyện Phùng Hiệp cho biết cá nguyên liệu hiện tăng gần 20.000đ/kg nhưng vẫn không có hàng để sản xuất. Sản lượng sản xuất hiện tại chỉ bằng ¼ so với sản xuất năm 2020. Chính vì thế mỗi kg khô cá trạch rút xương bán ra sẽ có giá 400.000đ, tăng 50.000đ/kg.

THDV