HOT HOT HOT:

CLB Làng Cười VN: Nguyễn Văn Xin

03/02/2017 14:13 GMT+7

Tôi nhớ rõ năm 11 tuổi, tôi đã bắt đầu mon men đến với báo chí. Lần ấy, bức tranh đầu tiên của tôi vẽ phong cảnh đăng mục “Tuổi lá mạ” của báo Điện Tín. Khỏi phải nói tôi vui mừng thế nào khi thấy tranh mình đăng trên báo. Phát huy thế mạnh, tôi cong lưng vẽ tiếp gần 30 bức khác, phần gửi báo đăng, phần tự làm khung treo tá lả âm binh khắp cả nhà...
Năm đất nước thống nhất, tôi học lớp 9. Thời gian ngắn sau, tôi thường xuyên gửi tranh (lần này là tranh vui, tranh đố... ) cùng một số bài thơ ngắn, mẩu chuyện, tiểu phẩm... cho các tờ Khăn Quàng Đỏ, Tuổi Trẻ. Đăng cho vui thế thôi, chứ không nghĩ gì tới chuyện nhuận bút. Có lẽ máu mê báo chí của tôi xuất hiện từ thời gian này.
Năm 1979, tôi thi đậu Trường Đại học Tổng hợp TPHCM song chỉ học 2 năm, do hoàn cảnh gia đình không cho phép nên tôi nghỉ, đi làm công nhân ở Nhà máy dệt Việt Thắng. Dù thế, tôi vẫn tiếp tục cộng tác với các tờ Khăn Quàng Đỏ, Công Nhân Giải Phóng (nay là Người Lao Động) và lần này không quên đi... lĩnh nhuận bút khi có tranh, bài được đăng.
Làm công nhân được 2 năm, tôi được nhà máy chọn đi lao động hợp tác ở Liên Xô, cùng ngành dệt. Thêm 2 năm nữa từ Liên Xô chuyển qua Đông Đức làm việc thì tôi quay về quê nhà chuẩn bị cưới vợ. Thời gian làm công nhân, tôi vẫn cộng tác tin bài với những tờ “truyền thống” cũ và sau này có thêm tờ Thủ Đức, Long An, Vĩnh Long và Sông Bé. Dần dà xem ra khoản nhuận bút cũng “sêm sêm” với tiền lương công nhân hàng tháng. Khi con trai tôi vào lớp 1, nhà không ai trông cháu nên tôi quyết định nghỉ việc hẳn ở nhà máy dệt, chỉ để vợ đi làm còn mình tập trung làm báo.
Quãng thời gian 1994 đến 2010 cũng là thời kỳ hoàng kim nhất trong nghề cộng tác viên của tôi. Tôi bỏ vẽ tranh và chuyển qua viết nhiều mảng khác nhau. Từ bài dịch từ sách báo tiếng Anh, văn hóa văn nghệ, phóng sự xã hội... cho các tờ Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động Thủ Đô, Bình Dương, Bình Phước... Thậm chí nhiều “sếp báo” còn ngõ ý mời tôi về làm chân phóng viên bổn báo như anh Trần Anh Tài (báo Khoa Học Phổ Thông), anh Mai Vân (Lao Động Thủ Đô), anh Nguyễn Xuân Vinh (báo Bình Dương), anh Lý Tiến Dũng (Đại Đoàn Kết)... Nhưng bản tính tôi ít chịu ngồi yên một chỗ, nên đều từ chối và chỉ xin nhận chân “cộng tác viên thường trực”. Tiếp đó, tôi còn phối hợp viết sách chuyên đề và hiện có gần 100 tập sách chuyên đề của riêng mình như sách “Chuyện từ tòa án”, “Chuyện huyền bí”, “Truyện thiếu nhi” do các nhà xuất bản Thanh Hóa, Thanh Niên, Đồng Nai, Mũi Cà Mau... ấn hành. Về bút danh, ngoài tên Nguyễn Sinh, tôi còn lấy nhiều cái tên khác như Mỹ Dung, Phương Thảo, Ngọc Mai, Như Quỳnh, Trúc Phương... Chẳng qua đó là tên những người bạn nữ thân thiết suốt một thời sinh viên và công nhân mà tôi khó thể quên!
Từ năm 2012 trở lại đây, khi làn sóng Smart Phone bắt đầu xâm nhập nước mình với giá rẻ, ai cũng có thể mua xài, xem ra sách báo có phần đình trệ. Tôi thấy người ta thay vì mua sách báo đọc thì chấm chấm quẹt quẹt trên Smart Phone cũng có khối trò giải trí. Có lẽ vậy mà sách chuyên đề không “dễ xơi” như trước, các ông bà làm sách buộc dẹp tiệm, nghỉ chờ thời. Tôi cũng không ngoại lệ và tiếp tục quay lại làm nhân viên ở Khu Công nghệ cao TP HCM. Riêng tờ Làng Cười đến với tôi như một cơ duyên. Tết năm ngoái, tôi đi họp tất niên ở tờ tin quận 12 và xem qua tờ Làng Cười Xuân, giở trang CLB Làng Cười thấy có quá nhiều anh em quen biết cộng tác như Trà Kim Long, Kim Hoa, Đặng Trung Thành, Đàm Vũ Tri, Nguyễn Văn Dũng... thế là nghĩ ngay trong đầu sao mấy người này “đánh phá ác liệt” thế mà mình không tham gia. Bèn thử lại nghề cũ viết bài tiểu phẩm gửi đăng. Thông qua Facebook, tôi còn được Jap Tiên Sinh - thư ký tòa soạn động viên, các em cháu như Tư Đơ, HienMQ, Hoàng Ba Đình, Trần Thu Hòa... khích lệ nên càng viết càng hăng.
Mong sao báo Làng Cười chúng ta tiếp tục phát triển mạnh, được thật nhiều độc giả ủng hộ để anh em CLB không chỉ “lần đầu gặp nhau”... trên báo, mà còn có dịp gặp ngoài đời rất rất nhiều lần trong thời gian tới!

(Dân Việt)