HOT HOT HOT:

CLB Làng Cười VN: Trương Văn Hiếu

03/02/2017 14:27 GMT+7

Thú thật với các bạn nhà văn nhà báo và nhiều nhà khác đang ăn sáng, uống cà phê bằng nhuận bút báo Cười thân mến. Chẳng biết các bạn đến với báo Cười như thế nào? Còn tôi, tôi đến với báo Cười, một cách “thật tuyệt vời, thật không thể tin được”. Đó là vì mê đọc sách báo, nhất là báo Cười vì các bạn viết quá hay. Và tôi chợt nghĩ, sao các bạn viết được mà mình thì không? Thế là tôi bắt đầu “ngâm kíu” nhiều hơn, từng câu từng chữ, cho đến một ngày nọ.
Sáng thức dậy, tôi thấy trước sân nhà mình chình ình một đống rác to đùng, hôi hám cùng vài người công nhân vệ sinh đang hì hục hốt rác đưa lên xe ép rác. Ráng chịu đựng mùi hôi, tôi ra tìm hiểu “sự tình” thì nhận được “thông báo” chính thức bằng mồm của cô công nhân “tù nay trở đi, khoản trống vỉa hề trước nhà anh sẽ là điểm tập kết rác”. Nghe xong, lỗ tai tôi lùng bùng và cảm giác ghê sợ cái mùi hôi hám của rác ám ảnh mình, ám ảnh ngôi nhà của mình. Nhưng đáng bực nữa là, mỗi lần trung chuyển rác xong, họ không vệ sinh kỹ càng, mà chỉ dọn dẹp qua loa rồi bỏ lại vô số rác, mùi hôi hám ở đó. Thế là để “xua đuổi” bớt mùi hôi, gia đình phải xắn tay vào dọn rác.
Từ chỗ “tức cảnh sinh tình”, tôi lấy giấy bút ra viết bài với tựa đề “dọn rác bất đắc dĩ” để kể tội bãi rác và những người công nhân vệ sinh làm ăn cẩu thả. Viết xong, đọc đi đọc lại nhiều chục lần, thấy cũng hơi ổn, tôi liền đi ra tiệm nét, nhờ cô bạn làm chủ tiệt nét đánh máy hộ (thời đó máy tính cá nhân là thứ xa xỉ) sau đó tôi gởi cho báo Làng Cười. Phải nói, từ lúc gởi bài cho đến lúc được đăng, tôi hồi hộp ghê lắm. Thế rồi, vào một buổi sáng thứ 3 tôi chạy bộ ra sạp báo gần nhà, mua tờ Làng Cười và thấy tên bài viết mình xuất hiện trên báo. Cảm giác lúc đó của tôi thật vui sướng, vui sướng vì điều mình “phản ánh” đã được lên báo, nhưng vui sướng hơn nữa, vì đó là lần đầu tiên bài viết đầu tiên tôi gởi được đăng. Lên tòa soạn nhận nhuận bút, tôi được trả 120.000 đồng. Sướng quá, tôi về rủ thêm mấy thằng bạn đi trượt patin và ăn chè hết sạch. Từ đó tôi viết ngày viết đêm, hễ rảnh lúc nào là tôi viết lúc đó. Tôi viết nhiều đến nỗi, có số tòa soạn đăng của tôi một lúc 7 bài. Nhưng thể loại tôi hay viết là phóng sự, nên báo Làng Cười ở mục phóng sự đa phần là bài của tôi.
Tôi viết hăng đến nỗi lần nọ tới 77 - Phan Đăng Lưu lãnh nhuận bút thì cô phát nhuận bút bảo: “Anh Trương Minh Đức (hay còn gọi là Đức Trương - lúc bấy giờ là Thư ký tòa soạn) mời anh lên nói chuyện”. Lên đến cửa phòng, tôi run quá trời, vì không biết kêu lên như vậy là “lành hay dữ” nên đứng ngoài cửa một hồi lâu mới dám gõ cửa. Bước vào phòng, tôi thấy một gã cao to, tóc tai bù xù nhìn rất “giang hồ”. Chưa kịp kên tiếng thì đã nghe gã nhìn rất “giang hồ” hỏi: “Anh là Hiếu phải không, mời anh ngồi”. Nghe giọng nói của gã “giang hồ” trầm, ấm lại gọi một thằng nhãi hơn 20 tuổi như tôi bằng anh xưng tôi. Làm cho tôi vừa bối rồi, vừa có cảm giác cái gã “giang hồ” này thật tử tế. Vừa pha trà, gã vừa giải thích “tối qua thức xem bóng đá để viết bài, nên tóc tai bù xù, anh thông cảm”.
Sau lần gặp đó, gã thường gọi tôi đến tòa soạn uống cà phê vỉa hè để nói chuyện văn chương, bài vở cho số sắp tới. Nhưng cái tôi thích nhất, là mỗi lần gã gọi cho tôi để “dí” bài. Vẫn với chất giọng trầm ấm, gã vừa năn nỉ vừa chỉ đạo kiểu “anh cố gắng viết cho tôi một hai bài cho số này đi. Viết ngắn nha, khoảng hơn ngàn chữ thôi, viết lẹ nghe tui chờ”. Và cứ mỗi lần gã “dí” bài là dù có bận cỡ nào, tôi cũng không thể từ chối được. Vì chính gã, người đã thắp lên ngọn lửa đam mê để tôi dấn thâm vào nghề báo. Và cũng nhờ bài báo đăng trên Làng Cười đầu tiên đó, mà đến nay tôi đã có hơn mười năm sống với nghề viết báo Cười. Cho đến hôm nay, dù tôi đang công tác ở báo Văn Nghệ TP và gã (hình như đã chuyển sang làm quản lý) không còn gọi cho tôi nữa, nhưng tôi vẫn nhớ lần gặp đó và nhớ cái gã nhìn rất “giang hồ” nhưng có giọng nói ấm áp cùng cách cư xử tử tế của gã.

(Dân Việt)