CLB Làng Cười VN: Vương Đình Trung

03/02/2017 14:35 GMT+7

Những người viết truyện cười hay tự trào rằng: Khi tôi đang nhăn nhó, méo mó đấy là lúc tôi đang sáng tác truyện cười. Để nói lên rằng sáng tác truyện cười là công việc vô cùng "khổ sở".
Đã làm công việc sáng tạo thì công việc nào chả có vất vả, khó khăn. Tôi viết truyện cười bằng chất liệu sôi động của cuộc sống, qua cái nhìn hài hước và phê phán những hiện tượng, sự việc tiêu cực. Có lần đến thăm một người bà con bị bệnh nặng. Mọi người khuyên phải đi viện mổ ngay. Một ông là em của người bệnh làm cán bộ to, ai cũng nể trọng, nói: Không thể tùy tiện mà đi viện ngay được, để tôi về hỏi "thầy" của tôi ngày nào thì nhập viện được, ngày nào, giờ nào thì lên bàn mổ được đã. Cứ bình tĩnh đợi đấy. Tưởng ông ta nói đùa, ai dè ông ta dặn đi dặn lại là đợi ông ta hỏi thày đã rồi mới được đi viện. Thật là: Đau đẻ còn chờ sáng trăng nữa. Tất nhiên là người bệnh không thể chờ "thầy" của ông ấy phán mới đi viện, vì không cấp cứu nhanh thì nguy rồi. Chứng kiến sự việc đó tôi viết truyện HỎI THẦY, câu chuyện chỉ cần kể lại toàn bộ diễn biến của sự việc, đã thành một câu chuyện mang đầy chất hài hước, người đọc không thể chấp nhận và cùng phê phán ngay tệ mê tín, dị đoan quá đáng của ông cán bộ kia. Hay nhiều lần chứng kiến cảnh anh kỹ sư cơ khí cầm cái kìm không nên thân, vặn con vít không đúng chiều, hay cô bác sỹ không cắm nổi kim tiêm vào ven cho người bệnh, tôi viết về tệ bằng thật, học giả rất được bạn đọc quan tâm... Mỗi lần viết xong một truyện cười, được bạn đọc đón nhận, tán thưởng là tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc, bù cho những lúc nhăn nhó, méo mó... mặt.
Tôi tham gia viết báo Làng Cười ngay từ khi báo ra mắt bạn đọc. Về kỷ niệm với báo thì nhiều lắm, chỉ xin kể ra đây hai chuyện rất đáng nhớ: Lần ấy tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, tàu vào ga Sài Gòn đúng lúc trời rạng sáng. Ngồi sau lưng bác xe ôm, thấy trên hè phố có sạp báo đang bày hàng. Tôi bảo bác xe ôm rẽ vào cho tôi mua tờ báo, vì hôm ấy là thứ tư, ngày ra báo Làng Cười. Xe vừa đỗ, bác xe ôm nói ngay: Có báo Làng Cười mới chưa, cho một "em" nào. Tôi bảo: Sao bác biết tôi mua báo Làng Cười hay vậy? Bác xe ôm nói: Tôi mua cho tôi chứ bộ. Báo này đọc đã lắm, tuần nào tôi cũng mua đọc à. Tôi giở báo ra, thấy có bài của mình, mừng quá khoe ngay với bác xe ôm. Bác xe ôm tin ngay, bắt tay chúc mừng tôi. Cuốc xe hôm ấy bác không lấy tiền, nói là chiêu đãi "nhà báo". Sướng ghê.
Kỷ niệm thứ hai cũng là một dịp tôi vào thành phố Hồ Chí Minh. Lần ấy gặp một anh bạn là Việt Kiều ở Mỹ về thăm quê. Hôm sắp về Mỹ, anh rủ tôi đi đến các hiệu sách tìm mua sách. Anh bảo bên Mỹ sách đắt lắm, với lại sách quý mà người Việt mình cần đọc rất hiếm, nên mỗi lần về là anh lại mua rất nhiều sách, mang sang vừa làm quà, vừa bán lại nữa. Khi đi qua sạp báo, tôi thấy tờ Làng Cười, mua xong, thấy có bài của mình, tôi đưa anh đọc, hỏi anh có biết tờ báo này không? Anh bảo ở bên ấy thỉnh thoảng cũng nhìn thấy Làng Cười ở nhà bạn bè. Anh rất khoái khi biết tôi cũng tham gia viết cho Làng Cười. Anh bảo tôi tìm mua cho anh một số tờ để anh đem qua bển làm kỷ niệm, nhớ tìm những số có bài của ông ấy, anh dặn thế. Tôi đến hiệu bán sách báo cũ, mua được cho anh hơn chục tờ. Nhìn anh gói ghém sách báo vào thùng chuyển về Mỹ, trong đó có cả những tờ Làng Cười, tôi thấy vui khó tả.
Mỗi lần giở báo Làng Cười ra đọc, những câu chuyện cười của bạn viết bốn phương được tụ hội về, mỗi người một chuyện, một phong cách kể chuyện, lâu dần tôi thấy quen và thân với các tên tác giả, như là những người bạn thân nhau lắm, mặc dù chưa biết mặt nhau, chưa gặp nhau lần nào. Giá có một dịp nào đấy Làng Cười tổ chức cho những cây bút hài trong Câu lạc bộ cả nước gặp nhau một lần thì vui biết bao nhiêu.

(Dân Việt)