HOT HOT HOT:

Đìu hiu làng đóng thuyền trăm tuổi bên bờ sông La

02/07/2021 13:12 GMT+7
Làng đóng thuyền (thôn Bến Đền, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đã có tuổi thọ hàng trăm năm. Hiện nay, do nhu cầu sử dụng thuyền gỗ không còn nhiều nên các cơ sở phải đóng cửa, lao động phải chuyển nghề. Làng nghề truyền thống ngày càng trở nên đìu hiu, vắng lặng hơn.

Chúng tôi có dịp ghé thăm làng đóng thuyền hơn 300 năm tuổi ở thôn Bến Đền, xã Trường Sơn, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi làng một thời nhộn nhịp, nổi tiếng "ăn nên làm ra".

Giờ đây khung cảnh trở nên đìu hiu, trầm lặng, chỉ còn vài cơ sở đóng, sửa chữa thuyền, hoạt động cầm chừng nằm nép mình bên bờ sông La.

Làng đóng thuyền trăm tuổi đìu hưu bên bờ sông La - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phạm Tám, nguyên Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Lý Chính Thắng (thời kỳ 1973 - 1992) ở Bến Đền. Ảnh: PV

Hồi tưởng lại một thời vàng son của làng nghề đóng thuyền, ông Nguyễn Phạm Tám, nguyên Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Lý Chính Thắng (thời kỳ 1973 - 1992) ở Bến Đền, tâm sự: "Làng nghề xây dựng hợp tác xã (HTX) đóng tàu, thuyền Lý Chính Thắng với hơn 350 hội viên. Từ đầu làng đến cuối xóm, đi đâu cũng nghe tiếng đục, đẽo.

Thuyền được đóng, bán cho người dân trong huyện, tỉnh làm phương tiện đi lại, buôn bán vận chuyển hàng hóa. Có thời điểm nghề đóng thuyền được xem là hưng thịnh, tạo được việc làm cho hàng trăm lao động.

Làng đóng thuyền trăm tuổi đìu hưu bên bờ sông La - Ảnh 2.

Một xưởng đóng thuyền ở bến thôn Đền, xã Trường Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ảnh: PV

Thời gian làng nghề truyền thống ngày càng bị mai một. Hiện nay, chỉ còn 2 cơ sở đóng thuyền còn hoạt động".

"Chính quyền địa phương cũng liên kết với những người ở vùng biển để tìm nguồn tiêu thu sản phẩm giúp bà con có công ăn việc làm"- Ông Phan Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn.

Trước đây, khi đi qua làng nghề đóng thuyền không khó bắt gặp hình ảnh những người thợ miệt mài chế tác. Âm thanh từ tiếng đục, tiếng búa, tiếng xưa vang vọng cả một vùng quê. Không khí nhộn nhịp, tất bật bỗng đìu hiu, những chiếc tàu phai màu sơn, cũ kỹ nằm nép mình một góc.

Là một trong những người làm nghề lâu năm tại đây, ông Phạm Văn Cừ (trú tại thôn Bến Đền) chia sẻ: "Tôi làm nghề đóng thuyền được nhiều năm rồi. Những năm trước, quanh năm suốt tháng tay đục, tay búa mà làm không kịp, ngư dân các nơi đổ về đặt hàng. Cơ sở tôi nhận được nhiều hợp đồng, đóng khoảng 50-70 chiếc thuyền lớn mỗi năm, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Làng đóng thuyền trăm tuổi đìu hưu bên bờ sông La - Ảnh 4.

Một góc đóng thuyền ở thôn Bến Đến, xã Sơn Trường, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ảnh: PV

Nhưng năm gần đây nhu cầu sử dụng thuyền gỗ giảm xuống, ít đơn đặt hàng nên gia đình tôi chỉ đóng những loại thuyền nhỏ. Tôi đang cố gắng duy trì hoạt động của xưởng hy vọng sẽ có hướng đi mới cho làng nghề truyền thống này".

"Nghề đóng thuyền ngày càng bấp bênh, có tháng không có đơn hàng nào. Nhiều chủ cơ sở cũng đành phải đóng cửa, lao động cũng phải nghỉ để chuyển sang nghề khác. Các cụ thời xưa cuộc sống khó khăn, việc đóng thuyền gặp nhiều trở ngại nhưng vẫn kiên quyết giữ nghề. Lớp trẻ bây giờ không ai còn muốn làm nghề đóng thuyền, nối nghiệp cha ông nữa"- ông Cừ tâm sự.

Làng đóng thuyền trăm tuổi đìu hưu bên bờ sông La - Ảnh 5.

Thợ đóng thuyền ở thôn Bến Đền giờ chỉ tính bằng đầu ngón tay. Ảnh: PV

Được biết, làng nghề đóng thuyền Bến Đền có bề dày lịch sử, với quy mô lớn. Qua quá trình hình thành và phát triển làng nghề đã sinh ra những người thợ tay nghề cao, năng lực tốt làm nên những chiếc thuyền chất lượng, nhiều khách hàng ở mọi miền đất nước đến đặt mua.

Ông Nguyễn Văn Nam, trú tại thôn Bến Đền, xã Trường Sơn (người có tay nghề cao trong nghề đóng thuyền), cho hay: "Khách hàng từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… kể cả người trong Nam tìm về làng Bến Đền đặt hàng, bởi họ tin vào tay nghề chúng tôi.

Làng đóng thuyền trăm tuổi đìu hưu bên bờ sông La - Ảnh 6.

Các cơ sở đóng thuyền hắt hiu, trầm mặc hẳn. Ảnh: PV

Có thời điểm chúng tôi làm không xuể, phải thuê lao động từ các tỉnh khác về hì hục đục, đẽo làm ngày, làm đêm mà không kịp giao cho người đặt mua. Giờ các cơ sở đóng thuyền hắt hiu, trầm mặc hẳn".

Nghề đóng thuyền gỗ giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, độ bền nhiều khách hàng đã chuyển sang chọn các loại tàu thuyền công suất lớn làm chất liệu vỏ sắt, nhựa composite....Với ưu điểm vượt trội về tốc độ di chuyển, độ an toàn, các tính năng về khai thác và bảo quản sản phẩm cũng cao hơn rất nhiều so với thuyền gỗ.

Làng đóng thuyền trăm tuổi đìu hưu bên bờ sông La - Ảnh 7.

Một điểm bán thuyền vắng khách đến mua thuyền. Ảnh: PV

Thuyền gỗ không còn là sản phẩm để khách hàng lựa chọn. Điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhiều lao động. Hiện nay, các chủ đóng thuyền ở thôn Bến Đền đang đứng ngồi không yên bởi chưa biết làm gì để có đơn hàng vực dậy.

Làng đóng thuyền trăm tuổi đìu hưu bên bờ sông La - Ảnh 8.

Các chủ đóng thuyền ở thôn Bến Đền đang đứng ngồi không yên bởi chưa biết làm gì để có đơn hàng vực dậy. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Phan Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết: "Làng nghề đóng tàu, thuyền xã Trường Sơn xuất hiện cách đây khoảng 300 năm. Năm 2016, làng nghề vinh dự được UBND tỉnh quyết định công nhận là làng nghề truyền thống.

Những năm về trước, không khí đóng tàu thuyền của bà con nhộn nhịp, số lượng thuyền đặt đóng thuyền rất lớn. Khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng thuyền đặt đóng mới ít hơn vì nguồn nguyên liệu gỗ từ Lào về khan hiếm, thuyền gỗ có giá thành cao, ngư dân đổ xô đi đóng tàu vỏ sắt, nhựa composite".

"Năm 2010, UBND xã có kế hoạch quy tập các xưởng đóng tàu trở thành khu vực chuyên đóng tàu để xây dựng thương hiệu làng nghề đóng thuyền xã Trường Sơn nhưng chưa thành công vì kinh phí cho việc quy tập này rất lớn. Xã Trường Sơn đã đề xuất lên cấp trên xin hỗ trợ để duy trì nghề truyền thống, giúp nhân dân yên tâm làm ăn" - Ông Phan Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn.

Lê Đình Thỏa Dung